Tự do tài chính | 24/04/2022
3 cách giúp bạn thoát khỏi áp lực tài chính
Trong cuộc sống bộn bề lo toan và tất bật với công việc, ta phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Một trong số đó có thể kể đến áp lực tài chính, được ví như “gông cùm” ngăn cản bạn thực hiện những kế hoạch trong tương lai, hay sống đúng với mơ ước, đam mê của bản thân. Vậy làm thế nào để thoát khỏi áp lực tài chính? Lời giải đáp sẽ được hé lộ dưới đây.
Phân loại tiêu sản và tài sản của bạn
Bạn nên sắp xếp và quản lý tài chính từ khi còn trẻ. Đây là lúc bạn có nhiều thời gian để thực hành và thành lập thói quen quản lý tài chính. Điều quan trọng số một là phân biệt được đâu là tiêu sản và đâu là tài sản của bạn. Khái niệm tiêu sản và tài sản được nhắc đến trong quyển sách “Cha giàu cha nghèo” của tác giả Robert Kiyosaki. Bạn có thể hiểu khái quát rằng tiêu sản là những thứ có giá trị hao mòn dần theo thời gian. Đó là những thứ khiến bạn chi thêm tiền cho chúng. Ngược lại, tài sản sẽ giúp bạn sinh lời theo thời gian.
Ví dụ: khi bạn sở hữu nhiều xe ô tô, bạn sẽ phải chi nhiều tiền bảo dưỡng và tiền xăng. Vì vậy, xe ô tô thật ra là một tiêu sản. Chúng vô hình trung tạo ra một áp lực tài chính lên bạn.
Còn nếu bạn sở hữu một miếng đất ở vị trí tiềm năng thì lại khác. Vài năm sau khi giá đất tăng lên, miếng đất sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận cho bạn. Đây là một ví dụ về tài sản mà bạn có.
Để thoát khỏi áp lực tài chính, hãy giảm tối thiểu việc sở hữu các tiêu sản và gia tăng số lượng tài sản của bạn. Mỗi khi chi tiêu một món đồ, bạn nên tự hỏi mình liệu việc mua chúng có thật sự cần thiết không. Liệu sở hữu món đồ này có thể làm cho bạn giàu có hơn, hay chỉ ngốn thêm tiền của bạn.
Trả các khoản nợ càng sớm càng tốt
Cách tốt nhất để trả nợ đó là đừng nên vay nợ ngay từ đầu. Hiện nay, rất dễ dàng để chúng ta vay nợ khi các điều kiện không quá khắt khe. Việc có thể tiếp cận các gói cho vay một cách dễ dàng dẫn đến tình trạng nhiều người ỷ lại vào việc vay tín dụng và thường xuyên vay nợ không cần thiết. Bạn cần phải hiểu sức mạnh của lãi kép cũng được áp dụng vào các khoản nợ kể trên. Đó là tình trạng lãi của khoản nợ này sẽ được tiếp tục tính lãi cho kỳ tiếp theo. Cứ như vậy, số tiền bạn phải trả sẽ ngày một tăng lên.
Nếu như bạn thật sự phải vay nợ, hãy ưu tiên bỏ ra một phần thu nhập của bạn để trả khoản nợ đó càng sớm càng tốt. Thậm chí, bạn nên cắt bớt phần chi tiêu hàng ngày của bạn để ưu tiên trả nợ.
Dành một khoản tiền để đầu tư
Đầu tiên, việc có một khoản tiền đầu tư sẽ giúp cho bạn đảm bảo được tài sản của mình không bị mất giá bởi lạm phát. Thứ hai, khoản đầu tư đó sẽ tạo ra một dòng tiền được tích góp qua từng năm. Bạn có thể sử dụng dòng tiền này cho mục tiêu cá nhân như chăm sóc sức khỏe, mua nhà.
Lạm phát là một trong những nguyên nhân gây ra áp lực tài chính lên bạn. Với mức lạm phát là 5% một năm, nếu như bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 5%/năm thì thực chất, tài sản của bạn không tăng lên được đồng nào. Chính vì thế, tùy vào mức lạm phát hàng năm mà bạn nên điều chỉnh kênh đầu tư của mình.
Các kênh đầu tư phổ biến
Nói đến các kênh đầu tư, chúng ta có thể kể đến gửi tiết kiệm, trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,… Trong đó, gửi tiết kiệm là đơn giản và an toàn nhất. Tuy nhiên, kênh đầu tư này có mức lãi ít nhất. Nếu nền kinh tế suy thoái, lãi suất tiết kiệm có thể không bù được mức lạm phát.
Đầu tư cổ phiếu và trái phiếu có thể hứa hẹn một mức lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, kèm theo đó cũng là nhiều rủi ro khó tránh. Để có thể thành công với các kênh này, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng về đầu tư một cách vững chắc
Cuối cùng, một lựa chọn khá “cân bằng” giữa lãi suất và rủi ro đó là mua chứng chỉ các quỹ đầu tư. Với cách thức này, bạn sẽ không phải tự mình ra quyết định giao dịch. Thay vào đó, các chuyên gia trong công ty quản lý quỹ sẽ giúp bạn đầu tư. Bạn sẽ nhận lại tiền lãi tương ứng với số tiền đóng góp. Quỹ thường được quản lý bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ là những người có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong thị trường tài chính. Bạn có thể tin tưởng đầu tư vào những quỹ có hiệu suất hoạt động cao. Từ đó, bạn sẽ được hưởng một mức lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Kết luận
Tổng kết lại, để thoát khỏi áp lực tài chính và hướng tới một cuộc sống không phải lo nghĩ về vấn đề tiền bạc, bạn có thể áp dụng 3 cách trên. Gia tăng tài sản, giảm bớt tiêu sản và trả các khoản nợ vay sớm. Ngoài ra, hãy đầu tư vào một kênh đầu tư mà bạn cho là phù hợp với bản thân. Mong rằng bạn có thể hoạch định một kế hoạch quản lý tài chính cụ thể, rõ ràng cho mình và sớm ngày không cần lo toan về áp lực tài chính.