Phân tích kỹ thuật | 04/05/2022

Đầu tư giá trị: Cách áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Đầu tư giá trị là phương pháp giúp tỷ phú Warren Buffett trở thành một huyền thoại đầu tư chứng khoán. Nó có thể đem lại lợi suất vượt trội hơn nhiều so với những phương pháp khác. Nếu biết cách sử dụng, bạn có thể áp dụng nó tại thị trường chứng khoán Việt Nam để đem lại nguồn lợi lớn cho mình.

Đầu tư giá trị là gì?
Đầu tư giá trị là gì?

Đầu tư giá trị là gì?

Đầu tư giá trị là phương pháp được tạo thành từ niềm tin rằng các công ty có một giá trị nhất định. Giá trị này sẽ khác so với giá trên thị trường (giá một cổ phiếu đang được giao dịch). Một số công ty sẽ có giá cao hơn so với giá trị thực của họ. Ngược lại, một vài công ty khác sẽ có giá thấp hơn giá trị thực. Đây là cơ hội kiếm lợi nhuận của những nhà đầu tư giá trị. Họ sẽ kiếm tiền bằng cách mua cổ phiếu của doanh nghiệp khi họ đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực và bán đi khi giá cổ phiếu đã tăng quá cao so với giá trị thực. Hay nói một cách đơn giản, phương pháp này sẽ giúp bạn “mua với giá thấp, bán với giá cao”.

Cách áp dụng phương pháp đầu tư giá trị

Có thể thấy rằng đầu tư giá trị xoay quanh vấn đề xác định giá trị thực của doanh nghiệp. Để sử dụng phương pháp này, nhà đầu tư cần phải hiểu được giá trị của một doanh nghiệp. Chúng bao gồm những gì, làm cách nào để định giá giá trị của doanh nghiệp đó. Nghe có vẻ rất phức tạp nhưng bạn có thể tham khảo các bước dưới đây để đem phương pháp đầu tư giá trị vào “thực chiến” nhé:

Các bước đầu tư giá trị
Các bước đầu tư giá trị

Bước một: Xác định giá trị của doanh nghiệp bao gồm những gì

Giá trị của một công ty có thể được tạo nên từ ba thành phần chính:

  • Tài sản của công ty
  • Lợi nhuận của công ty
  • Tiềm năng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận trong tương lai

Nên lưu ý rằng tài sản của doanh nghiệp không chỉ bao gồm các tài sản hữu hình như nhà máy, xưởng sản xuất, trang thiết bị, tòa nhà văn phòng,… Họ còn có cả những tài sản vô hình như bằng sáng chế, khả năng độc quyền, thương hiệu.

Doanh nghiệp sẽ sử dụng những tài sản này để tạo nên doanh thu và lợi nhuận của công ty. Lấy ví dụ về Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp sản xuất thép. Tài sản của họ là các nhà máy, và điều quan trọng là công suất của từng nhà máy. Nhưng với một doanh nghiệp bất động sản như CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), tài sản của họ lại bao gồm quỹ đất và số căn hộ cho thuê.

Lợi nhuận của doanh nghiệp là số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí và các loại thuế. Cần xác định được sản phẩm hay dịch vụ nào đóng góp nhiều nhất vào số lợi nhuận tạo ra. Liệu rằng nguồn lợi nhuận này có thể bền vững trong dài hạn được không?

Lấy ví dụ, bạn đang xem xét công ty XYZ – một công ty dệt may. Lợi nhuận của XYZ tăng 60% trong nửa năm 2021, nhưng 90% nguồn lợi nhuận này lại đến từ việc đầu tư chứng khoán. Đây là một khoản lợi nhuận đột biến và chưa chắc sẽ có khả năng có lại trong tương lai.

Bước hai: Định giá doanh nghiệp

Định giá doanh nghiệp là hoạt động xác định giá trị thật của công ty. Bạn có thể sử dụng các chỉ số tài chính hoặc các mô hình định giá. Có hai phương pháp chính, đó là định giá so sánh và định giá theo chiết khấu dòng tiền. Định giá so sánh bao gồm các phương pháp định giá P/E, định giá P/B, định giá EV/EBITDA,… Định giá theo chiết khấu dòng tiền thì có các phương pháp FCFF, FCFE, DDM. Tuy nhiên, những mô hình định giá này rất phức tạp và thường được sử dụng bởi các chuyên gia. DNSE sẽ giải thích về các phương pháp này một cách chi tiết hơn ở những bài viết tiếp theo.

Còn bài viết này sẽ đề xuất cho bạn một cách đơn giản hơn để định giá doanh nghiệp. Bạn nên tìm định giá về doanh nghiệp trong các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán. Sau đó, hãy lấy trung bình cộng các định giá này để có một mức định giá thích hợp.

Ngoài ra, bạn có thể vào một số trang web khác, ví dụ như DNSE, CafeF hay Fireant để thu thập những thông tin cần thiết.

Thông tin về HPG tại mục Senses của DNSE
Thông tin về HPG tại mục Senses của DNSE

Bạn có thể chọn khoảng 5 – 10 báo cáo với ưu tiên được đăng tải gần đây nhất. Sau đó bạn tổng hợp định giá của các công ty chứng khoán. Lưu ý là bạn nên chọn những bài định giá có cùng một mức thời gian. Ví dụ, định giá HPG trong 1 năm tới hoặc trong 1 quý tới từ các công ty chứng khoán:

Ví dụ về định giá HPG
Ví dụ về định giá HPG

Bước ba: Chỉ mua cổ phiếu khi có biên an toàn đủ lớn

Biên an toàn là khái niệm mua cổ phiếu với giá thị trường thấp hơn một phần (thường khoảng 15-20%) so với mức giá trị thật. Việc “định giá” giá trị thật của doanh nghiệp vốn mang nhiều tính chủ quan. Vì vậy nhiều nhà đầu tư sẽ có các mức định giá khác nhau. Ví dụ, cùng một công ty là Hòa Phát nhưng có người lại đưa ra mức định giá là 60.000 đồng/cổ phiếu, người khác lại định giá 70.000 đồng. Biên an toàn sẽ là công cụ để nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro từ việc định giá. Cụ thể, giá mua vào của cổ phiếu sẽ bằng mức định giá trừ đi một khoảng 15% đến 20%.

Ví dụ: Nhà đầu tư định giá một cổ phiếu HPG là 58.700 đồng, biên an toàn là 20%. Vậy thì giá mua HPG sẽ là: 58.700 – 58.700 x 20% = 47.000 (đồng). Lúc này, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu HPG khi giá giảm xuống bằng hoặc nhỏ hơn 47.000 đồng. Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải luôn “nhìn về phía trước” và định giá cho tương lai xa. Nếu bạn muốn đầu tư ở hiện tại, hãy định giá cho doanh nghiệp ít nhất là một năm nữa.

Kết luận

Mỗi phương pháp đầu tư sẽ phù hợp với quan điểm đầu tư riêng của từng người. Phương pháp đầu tư giá trị thích hợp với những nhà đầu tư tin vào việc định giá giá trị thật của doanh nghiệp, kiên nhẫn và ưa thích đầu tư dài hạn. DNSE mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn một góc nhìn về đầu tư giá trị là gì và làm sao để ứng dụng nó trong thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tư giá trị chỉ là một trong những phương pháp đầu tư. Để đầu tư hiệu quả, bạn hãy tìm cho mình một phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình nhé.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Trần Kim Phượng

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan