Quản trị danh mục | 30/03/2022
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như thế nào cho hiệu quả?
Việc phân bổ tài sản qua các kênh đầu tư sao cho an toàn và hiệu quả là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Một trong những kênh đầu tư được nhiều người ưa chuộng hiện nay là trái phiếu doanh nghiệp. Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì? Có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hay không? Và đầu tư như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé.
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Khi doanh nghiệp cần vốn, có 2 cách cơ bản để họ huy động vốn:
- Một là huy động vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu.
- Hai là vay nợ bằng cách vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu (vay trực tiếp từ người dân).
Trái phiếu do doanh nghiệp phát hành để huy động vốn được gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Đây được ví như một tờ giấy nợ của doanh nghiệp đối với trái chủ (người nắm giữ trái phiếu). Khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần đảm bảo phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn này theo đúng mục đích. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn cho chủ đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp là một khoản vay có trả lãi định kỳ. Ví dụ, bạn mua 100 triệu trái phiếu của công ty A với lãi suất 10% trong vòng 3 năm. Bạn sẽ nhận được 10 triệu mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Và đến cuối năm 3, công ty sẽ hoàn trả 100 triệu vốn gốc ban đầu cho bạn.
So sánh trái phiếu doanh nghiệp với các kênh đầu tư khác
Gửi tiết kiệm | Trái phiếu doanh nghiệp | Cổ phiếu | |
Lãi suất kỳ vọng | 5-6% | 8-12% | Cao |
Rủi ro | Gần như không có | Biến động theo lãi suất và tình hình doanh nghiệp | Biến động theo nhiều biến số của doanh nghiệp và vĩ mô |
Thanh khoản | Cao, tuy nhiên lãi suất sẽ rất thấp nếu rút trước thời hạn | Thấp nhất trong 3 loại | Cao |
Yêu cầu về kiến thức | Thấp | Trung bình | Cao |
Từ bảng so sánh trên, ta có thể rút ra kết luận rằng: Kênh trái phiếu doanh nghiệp đem lại lãi suất kỳ vọng và rủi ro cao hơn ngân hàng nhưng thấp hơn cổ phiếu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đặc tính của 3 kênh đầu tư nói chung. Chính vì vậy, khi muốn đầu tư vào kênh nào, bạn cần chú trọng tìm hiểu về kênh đó thật kỹ lưỡng. Từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư thật sáng suốt và đúng đắn.
Những vấn đề cần lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Một trong những rủi ro hàng đầu khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro vỡ nợ. Đây là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm và lo ngại nhất. Bởi vì thực tế cho thấy, trên thế giới đã có rất nhiều doanh nghiệp phá sản. Một trong số đó có thể nhắc đến là các tập đoàn ở Trung Quốc. Các công ty này đang vỡ nợ trái phiếu trong nước với tốc độ nhanh kỷ lục.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, các doanh nghiệp Trung Quốc đã không thanh toán được 99,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,5 tỷ USD) trái phiếu trong năm 2020. Đây thực sự là một nỗi lo khá lớn dành cho các nhà đầu tư. Vậy, để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp an toàn và phòng tránh được rủi ro này, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thời điểm “vàng” để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bạn nên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường kinh tế có dấu hiệu đi xuống. Bởi vì khi đó, kênh đầu tư cổ phiếu sẽ kém hấp dẫn. Lãi suất trái phiếu cũng tăng cao hơn trước. Từ đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ có giá trị hơn và trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, mua trái phiếu trong thời điểm này thì đồng nghĩa với việc rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp cũng cao hơn. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải lựa chọn doanh nghiệp thật cẩn thận trước khi quyết định đầu tư.
Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư trái phiếu
Có 4 tiêu chí cơ bản mà bạn cần xem xét trước khi quyết định mua trái phiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào:
Lịch sử hoạt động của công ty phải lâu dài
Tốt nhất bạn nên lựa chọn doanh nghiệp đã niêm yết. Bởi vì thông tin của các công ty này sẽ minh bạch và rõ ràng hơn. Việc kinh doanh của công ty phải có lãi với hiệu quả cao trong nhiều năm qua (ROE > 15%).
Nên lựa chọn các doanh nghiệp đứng đầu ngành
Bởi vì 80% cơ hội trên thị trường sẽ đến với các doanh nghiệp này. Ví dụ như khi bạn muốn mua điện thoại thì bạn sẽ nghĩ ngay đến Thế giới di động. Còn khi bạn muốn mua thép thì sẽ nhớ ngay đến Hòa Phát. Chính vì vậy, đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành sẽ giảm thiểu phần nào rủi ro kinh doanh.
Công tác quản trị công ty phải được đánh giá cao, không có điều tiếng trên thị trường
Quản trị công ty được hiểu là các hoạt động liên quan đến hành xử của lãnh đạo doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp… Các hoạt động này phải được đánh giá cao bởi cơ quan truyền thông đại chúng. Nếu doanh nghiệp có các điều tiếng không hay, không minh bạch… thì bạn nên tránh đầu tư vào nó.
Tài chính của doanh nghiệp phải vững chắc
Mức chi trả cổ tức cho cổ đông phải tương đối đều đặn. Đặc biệt, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của công ty phải thấp. Bởi vì nếu tỷ lệ nợ vay quá cao, doanh nghiệp không thể vay ngân hàng được nữa. Thế nên họ mới phát hành trái phiếu. Từ đó dẫn đến mức độ rủi ro trong trường hợp đầu tư này rất cao.
Ngoài ra, nếu không có nhiều kinh nghiệm để phân tích và xem xét các tiêu chí trên, bạn có thể đầu tư bằng các trái phiếu có cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh. Hoặc bạn có thể mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu trên thị trường.
Tham khảo thêm bài viết: Một số quỹ trái phiếu uy tín tại Việt Nam.
Cân đối lãi suất và rủi ro
Trong đầu tư, bạn không nên chỉ nhìn vào lãi suất cao mà bỏ quên rủi ro tiềm ẩn bên trong. Thông thường những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao đều đi kèm với rủi ro lớn.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, bạn cần nghiên cứu kỹ về mục đích sử dụng tiền huy động của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp kinh doanh có an toàn không? Dòng tiền dùng để trả nợ đến từ đâu, có chắc chắn không? Hãy chọn những doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên với lãi suất cao nhất để đầu tư bạn nhé.
Lời kết
Trên đây là những kiến thức cơ bản và quan trọng nhất về trái phiếu doanh nghiệp. Hi vọng các nhà đầu tư sẽ cảm thấy tự tin hơn về lĩnh vực này sau khi đọc xong bài viết. Chúc các bạn đầu tư thành công và đừng quên ghé thăm DNSE thường xuyên trong thời gian tới nhé.