Kinh tế | 20/01/2022

Lạm phát chi phí đẩy – Nguyên nhân và giải pháp để tránh lâm vào suy thoái

Lạm phát thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng tiêu cực nhất trong số đó là lạm phát do chi phí đẩy. Đây là tình trạng mức giá chung tăng cao do chi phí sản xuất tăng. Nếu để trường hợp này diễn ra liên tục mà không giải quyết kịp thời sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế quốc gia. Hậu quả là suy thoái có thể xảy đến. Vậy lạm phát chi phí đẩy là gì? Làm sao để ngăn chặn tình trạng này? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết sau.

Lạm phát chi phí đẩy là gì?
Lạm phát chi phí đẩy là gì?

Lạm phát chi phí đẩy là gì?

Lạm phát do chi phí đẩy (tiếng anh là Cost-push inflation) là loại lạm phát do chi phí sản xuất tăng. Điều này có thể xảy ra do chi phí đầu vào. Ví dụ như tiền lương, nguyên vật liệu và chi phí tài chính trở nên đắt đỏ hơn.

Khi chi phí tăng lên, để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận, nhà sản xuất cũng phải tăng giá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ một hoặc hai công ty tăng giá có thể sẽ không gây ra lạm phát. Để có tác động đến giá cả nói chung, giá đầu vào phải có sự leo thang của nhiều nhà sản xuất từ nhiều ngành khác nhau.

Lạm phát chi phí đẩy khiến cho đường tổng cung dịch trái (từ AS₀ đến AS₁). Điều này tức là mức giá chung tăng và năng suất đều giảm. Tình huống này sẽ kéo theo mọi chỉ số kinh tế đều chuyển đổi theo hướng tiêu cực. Do đó, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Lạm phát do chi phí đẩy

Chú thích:

 AS: đường tổng cung thời kỳ bình thường

AS: đường tổng cung khi lạm phát

AD: đường tổng cầu

Y: sản lượng

P: mức giá

Ví dụ về lạm phát chi phí đẩy tại Mỹ

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là bao gồm 13 quốc gia thành viên vừa sản xuất và xuất khẩu dầu. Vào đầu những năm 1970, do các sự kiện địa chính trị, OPEC đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Hoa Kỳ. Điều này đồng nghĩa rằng Hoa Kỳ sẽ không được nhập khẩu dầu từ các nước thành viên OPEC nữa.

Thiếu nguồn cung dầu từ OPEC, Hoa Kỳ đã phải đối mặt với cú sốc nguồn cung lớn. Hậu quả là giá dầu tăng gấp 4 lần từ khoảng $3 lên $12 mỗi thùng. Tác động của việc cắt giảm nguồn cung đã khiến giá khí đốt tăng cao. Cùng với đó là chi phí sản xuất cao hơn đối với các công ty sử dụng sản phẩm xăng dầu.

Nguyên nhân của lạm phát chi phí đẩy

Như đã giải thích trước đó, loại lạm phát này xảy ra do chi phí sản xuất tăng ồ ạt. Điều này có thể xảy ra do:

  • Tăng lương
  • Tăng giá nguyên liệu và năng lượng
  • Thuế gián thu
  • Phá giá

Lương

Chi phí lao động thường chiếm tỷ lệ lớn chi phí trong doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các ngành cần lượng nhân công lớn thì chi phí này càng cao hơn. Nếu chi phí nhân công tăng cao hơn năng suất, biên lợi nhuận sẽ giảm đi.

Áp lực tăng lương thường cao khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và tỷ lệ lạm phát cao. Thị trường lao động eo hẹp do nguồn cung ngày càng hạn chế. Lượng nhân công có tay nghề và chất lượng cao không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Do đó, các nhà sản xuất phải cạnh tranh khốc liệt để có được lao động chất lượng nhằm tăng năng suất. Để thu hút thành công, nhà sản xuất thường sẽ đưa ra mức lương cao hơn. Đồng thời, mức lương này cũng sẽ cao hơn trung bình thị trường. Để bù lại phần chi phí tăng này, nhà sản xuất sẽ đẩy giá sản phẩm cao hơn. Đây chính là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Tăng lương là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát chi phí đẩy
Tăng lương là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát chi phí đẩy

Khi lạm phát tăng, mức tiền lương hiện có của người lao động không đáp ứng được cuộc sống. Họ sẽ tiếp tục đàm phán để tăng tiền lương. Kết quả là một vòng lặp tuần hoàn sẽ diễn ra liên tục đẩy lạm phát lên cao nếu Nhà nước không có những tác động kịp thời.

Nguyên liệu 

Việc thiếu thốn nguyên liệu là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới lạm phát. Sự thiếu hụt này thường thấy nhất ở ngành nông nghiệp, khi thiên tai xảy ra. Lúc này, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng đẩy giá sản phẩm lên cao.

Ngoài ra, đối với những quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô nhiều thì việc tăng giá của chúng cũng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, sau đó là giá bán sản phẩm tăng. Nguyên nhân của sự tăng giá này thường là do mặt bằng giá cả quốc tế tăng hoặc tỷ giá hối đoái không ổn định.

Thuế gián thu

Việc Nhà nước tăng thuế cũng sẽ gây áp lực tới nhà sản xuất khiến sản phẩm bị đẩy giá lên cao. Trong bối cảnh phần thuế gián thu chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu từ tiền thuế của Nhà nước thì ảnh hưởng của nó lại càng lớn hơn. Bởi thuế gián thu là loại thuế đánh vào giá cả hàng hóa chứ không đánh vào người nộp thuế. Điều này tức là người tiêu dùng sẽ phải gánh phần thuế này. 

Ví dụ, bạn mua một chiếc xe máy với giá 40 triệu đồng. Tuy nhiên, giá thực tế của nó chỉ có 36 triệu, 4 triệu còn lại là thuế gián thu mà bạn phải trả để sở hữu chiếc xe. Như vậy, rõ ràng việc đánh thuế cao sẽ trực tiếp đẩy giá sản phẩm lên. Kết quả là lạm phát gia tăng.

Phá giá

Phá giá xảy ra khi Chính phủ giảm giá trị của đồng nội tệ so với ngoại tệ. Đây là một cách để các mặt hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường. Đồng nội tệ rẻ sẽ khiến giá của các mặt hàng này cũng sẽ rẻ hơn so với trước đó.

Ngược lại, giá của hàng hóa nhập khẩu lại trở nên đắt hơn. Việc tăng giá này khiến giá thành sản xuất tăng lên và buộc nhà sản xuất phải tăng giá bán.

Giải pháp cho lạm phát chi phí đẩy

Các giải pháp giải quyết lạm phát chi phí đẩy
Các giải pháp giải quyết lạm phát chi phí đẩy

Để giải quyết tình trạng lạm phát chi phí đẩy, nếu Chính phủ áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn như tăng lãi suất cũng có thể giúp giảm lạm phát. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn do không tiếp cận được các khoản vay. Kết quả là GDP thực tế sẽ không được cải thiện và dẫn đến suy thoái. Đồng thời, chính sách này cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp.

Ngược lại, nếu Chính phủ nới lỏng các chính sách để kích thích tổng cầu, sản lượng trở lại mức tiềm năng, nhưng lạm phát sẽ còn tăng cao hơn. Do đó, một vài giải pháp khác cho tình trạng lạm phát chi phí đẩy bao gồm:

Giảm chi phí sản xuất

Giải pháp phù hợp để giảm tình trạng lạm phát chi phí đẩy là giảm chi phí sản xuất. Chính sách trọng cung – tức tìm cách đẩy mạnh sản xuất và tăng năng suất cũng là một giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, nó lại cần một khoảng thời gian dài để tạo ra ảnh hưởng đáng kể.

Trợ cấp tiền lương

Chính phủ cũng có thể trợ cấp tiền lương để giải quyết bài toán chi phí. Trong trường hợp này, Chính phủ giúp đỡ các doanh nghiệp bằng cách trả một phần chi phí lao động. Như vậy, chi phí sản xuất vẫn ở mức thấp và giảm các tác động tăng giá bán.

Định giá lại

Định giá lại cũng là một giải pháp thay thế để giảm áp lực lạm phát của hàng hóa nhập khẩu. Chính sách này đặc biệt có lợi với các nước có lượng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu lớn.

Kết luận

Bài viết là những chia sẻ của DNSE về lạm phát chi phí đẩy. Hy vọng DNSE đã cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích về vấn đề này. Để cập nhật thêm những kiến thức chứng khoán – tài chính thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Minh Ngọc

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan