Bí ẩn nhà đầu tư nội mua 2 nhà máy giá gần 6.700 tỷ của Pomina

pom-hinh

Quang cảnh đại hội. Ảnh: Mỹ Hà

Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 1/3, cổ đông Công ty cổ phần Pomina (mã: POM) đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc, bán 2 nhà máy Pomina 1 và 3 để có nguồn tiền trả nợ, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, công ty sẽ thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ vốn điều lệ từ 2.700 – 2.800 tỷ đồng. Trong đó, Pomina sẽ góp bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 để sở hữu 35% vốn Pomina Phú Mỹ. Phần còn lại sẽ do đối tác góp bằng tiền mặt.

Như vậy, với tỷ lệ sở hữu chỉ còn 35% thì Pomina không thể chi phối được hoạt động của Pomina Phú Mỹ.

Về nhà đầu tư mua, ban lãnh đạo Pomina cho biết do đang trong quá trình đàm phán nên đối tác không muốn tiết lộ danh tính. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT khẳng định là chắc chắn phải chọn nhà đầu tư cùng văn hóa, chính trực và có thể mang lại giá trị gia tăng cho công ty. Đây là nhà đầu tư nội lớn và có hệ sinh thái gần với hoạt động của Pomina.

2 nhà máy Pomina 1 và 3 đã được các đơn vị kiểm toán định giá 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), trong đó Pomina 1 tại Bình Dương là 336,4 tỷ đồng, giá trị nhà máy thép Pomina 3 tại Phú Mỹ là 6.357,6 tỷ đồng. Công ty góp vốn vào Pomina Phú Mỹ số tiền 900 – 1.000 tỷ đồng và thu hồi số tiền 5.100 – 5.800 tỷ đồng để thanh toán các khoản phải trả 5.100 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 3.757 tỷ đồng và nhà cung cấp 1.343 tỷ đồng.

Lãnh đạo Pomina chia sẻ đã đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư là Pomina Phú Mỹ sẽ tiếp tục kế thừa thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina. Ngoài ra, công ty cũng muốn sát nhập Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất.

Lý do bán mình

Pomina là thương hiệu thép lớn và thị phần từng được sánh ngang cùng Hòa Phát (mã: HPG). Chủ tịch HĐQT chia sẻ việc bán mình hôm nay xuất phát từ làm dự án lò cao vào 2019 – 2020. Để làm dự án buộc phải đưa các chuyên gia từ Trung Quốc qua nhưng đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, không một chuyên gia nào có thể qua. Do vậy, dự án bị kéo dài 2020 – 2021, tất cả chi phí về máy móc thiết bị, nhân công đều rất lớn. Ban lãnh đạo luôn cố gắng giữ tỷ lệ nợ vay không vượt quá 50%, nhưng vẫn bị vượt quá và cạn dòng tiền.

Tại đại hội, cổ đông thông qua việc quyết toán chi phí đầu tư lò cao, tăng tổng đầu tư từ 4.975 tỷ đồng lên 5.880 tỷ đồng. Ban lãnh đạo lý giải vốn đội lên do đầu tư trong khoảng thời gian dịch bệnh, có nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng.

Công ty có 3 nhà máy, trong đó Pomina 1 và 2 vẫn hoạt động bình thường, nhưng Pomina 3 – dự án lớn nhất (có lò cao) chưa chạy do khó khăn tài chính.

"Công ty bán như vậy để cho Pomina 3 có tài chính để chạy ổn định vào cuối năm nay đón thị trường bất động sản phục hồi", ông Thái nói.

Lãnh đạo Pomina nhận định thị trường thép hiện nay có phục hồi nhưng chậm do chỉ nhờ thúc đẩy đầu tư công. Động lực chính cho thị trường phục hồi là bất động sản thì đến cuối năm nay mới sáng hơn được.

Tại thời điểm cuối năm ngoái, tổng nợ ngắn hạn của công ty ở mức 7.964 tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn 5.466 tỷ đồng và vay dài hạn 846 tỷ đồng.

Vào giữa năm trước, công ty công bố đối tác chiến lược Công ty Thép Nansei sẽ mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, cung cấp nguồn vốn để lò cao hoạt động.

Chia sẻ tại đại hội, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT cho biết phương án đã thất bại. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện, công ty thuê đơn vị tư vấn xin phép UBCKNN cho mở room ngoại lên trên 51%. Tuy nhiên, UBCKNN không cho phép.

"Nếu thực hiện mở room ngoại lên trên 51%, công ty buộc phải hủy niêm yết nhưng ban lãnh đạo không mong muốn điều đó. Doanh nghiệp cũng không thể chờ đợi cho đến khi thực hiện thành công. Việc tìm kiếm nhà đầu tư nội nhanh hơn và thủ tục ít rườm rà hơn", Chủ tịch Pomina bày tỏ.

Xem thêm tại nhadautu.vn