Blog chứng khoán: VNI vượt 1.200, rồi sao?

Mức tăng chỉ số hôm hay không đáng kể, nhưng đủ để đưa VNI qua mốc 1.200 điểm. Điều cần chờ đợi là một sự bùng nổ đúng logic về dòng tiền cũng như tâm lý, nhất là khi xuất hiện rất nhiều dự đoán VNI sẽ “bay” tiếp tới 1.300 điểm.

Thực ra sự kiện vượt 1.200 điểm hôm nay hơi nhạt. Cả 3 nhịp tăng intraday đều kết thúc bằng 3 nhịp giảm và chỉ đến 15 phút cuối đợt liên tục chỉ số mới hồi lại, thậm chí phải chờ tới ATC mới qua được 1.200 điểm. Tổng thể biên độ tăng hôm nay là hẹp.

Khó có thể coi sự kiện hôm nay là bùng nổ hay đột phá được, thậm chí VNI chỉ “lết” qua mốc 1.200 điểm nhờ lực kéo của VCB. Dù sao thì điểm tăng vẫn là tốt, còn trong phiên thì rung lắc nhiều và áp lực chốt lời rất rõ. Các nhịp giảm đều đi kèm với độ rộng co lại và VNI rơi xuống sát hoặc dưới tham chiếu. Đó không phải là cách mà thị trường bùng nổ.

Từ góc độ tích cực, thị trường trồi sụt rồi đạt mục tiêu cuối cùng là vượt 1.200 điểm ở chỉ số vẫn được xem là thành công, nhất là trong bối cảnh thanh khoản thấp. Trồi sụt nhiều lần như vậy nhưng thanh khoản không cao, hai sàn khớp gần 17,9k tỷ, thấp nhất 4 phiên và ở mức trung bình cao mà thôi. Sẽ nguy hiểm hơn nếu hôm nay thị trượt đột biến về thanh khoản.

Điều cần chờ lúc này là thị trường sẽ có gia tốc tốt hơn, hay vẫn trồi sụt chán nản và thanh khoản không tăng được? Xu hướng tăng ngắn hạn lên cao dần rồi đạt đỉnh và đi xuống cũng giống như việc ném một quả bóng lên cao, luôn chậm dần khi đạt đỉnh và rơi trở lại. Sự chuyển hóa dần giữa động năng chiều quả bóng bay lên sang thế năng ở vùng đỉnh và lại chuyển thành động năng ở chiều rơi xuống tương tự như lượng cổ phiếu và tiền được luân chuyển. Có nhiều cách để luân chuyển giữa tiền và cổ, có thể một vài phiên giao dịch rực rỡ bùng nổ với thanh khoản đột biến, có thể là sự chuyển đổi âm thầm với thanh khoản lớn liên tiếp để rồi đột nhiên dòng tiền ngắn hạn cạn kiệt.

Nói chung dù thị trường có xu hướng lặp lại quá khứ nhưng không lần nào giống hệt lần nào. Ví dụ hiện tại các nhịp biến động intraday trong chiều tăng những phiên gần đây gọi là rung lắc cũng được, chốt lời cũng được, nhưng chắc chắn là có lực bán. Vì giá vẫn còn tăng tiếp nên cầu đang mạnh hơn, hấp thụ tốt hàng bán. Điều này diễn ra nhiều lần nên bên bán bị “hớ” và có xu hướng mua lại chính cổ phiếu đó hoặc đảo sang cổ phiếu khác với hi vọng “đu” tiếp đà đi lên. Vòng lặp đó không có gì lạ và rất cũ, đến lúc nào đó sẽ phải dừng lại khi lượng tiền sẵn sàng mua đã được chuyển phần lớn thành cổ phiếu.

Điều khó là không biết lúc nào vòng lặp sẽ dừng lại, nên hiện tại đang có tâm lý dò đỉnh, chờ đợi. Những cổ phiếu đang trong xu hướng tăng rõ ràng, mạnh, thanh khoản đều vẫn có cơ hội đi lên tiếp. Ngược lại, các cổ phiếu trồi sụt thiếu ổn định, giá luẩn quẩn thì khả năng cao là đang bị phân phối khéo léo. Quan điểm vẫn là canh chốt danh mục ngắn hạn, nên sử dụng trailing stop đối với các vị thế muốn thoát ra, không nên mua mới. Các cơ hội ngắn hạn nên bù lại bằng Long phái sinh trong điều kiện thanh khoản cơ sở không đột biến cao.

F1 hôm nay duy trì chiết khấu rộng, tiếp tục phản ánh tâm lý dò đỉnh trên thị trường cơ sở. Chênh lệch này ủng hộ vị thế Long. Tuy nhiên giao dịch kém hiệu quả khi VN30 test 1197.xx vì sự thận trọng quá cao trên thị trường phái sinh. Dù hiệu quả thấp nhưng rủi ro cũng thấp.

VN30 chốt hôm nay tại 1201.43. Cản gần nhất ngày mai là 1203; 1208; 1213; 1222; 1228; 1236. Hỗ trợ 1197; 1191; 1184; 1176; 1167.

Long nay khó ăn, nhưng rủi ro cũng thấp nhờ chiết khấu rộng.
Long nay khó ăn, nhưng rủi ro cũng thấp nhờ chiết khấu rộng.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Xem thêm tại vneconomy.vn