Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/5

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NKG

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024 CTCP Thép Nam Kim (NKG – sàn HOSE) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng (so với âm 40 tỷ trong cùng kỳ năm trước) nhờ (1) sản lượng tiêu thụ tăng 31% so với cùng kỳ, đáng chú ý, tiêu thụ từ kênh xuất khẩu tăng 65% và (2) biên lãi gộp tăng 757bps so với mức nền thấp sau khi đã xử lý hết hàng tồn kho giá cao trong 2023.

Sản lượng tiêu thụ quý II/2024 có thể tăng 10% so với quý trước, ước tính đạt 280.000 tấn. KBSV ước tính sản lượng tiêu thụ cả năm 2024 đạt 1,03 triệu tấn (xấp xỉ 103% kế hoạch) với động lực tăng trưởng chính từ kênh xuất khẩu, đồng thời, tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2024.

KBSV kỳ vọng giá thép sẽ bước vào chu kỳ tăng mới bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 với các luận điểm như (1) giá HRC đã tạo đáy trung hạn tại vùng 530-550 USD/tấn, (2) thị trường Bất động sản Trung Quốc dần phục hồi sau nhờ những chính sách hỗ trợ của chính phủ, (3) nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng mạnh mẽ hơn trong nửa sau của 2024 nhờ nhu cầu xây dựng, sản xuất máy móc gia tăng.

Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ (vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng ) được bắt đầu xây dựng từ tháng 4/2024 và dự kiến bắt đầu sản xuất ra sản phẩm từ quý I/2026, ban lãnh đạo kỳ vọng tới 2027 nhà máy sẽ hoạt động 100% công suất, tổng công suất 2 triệu tấn/năm.

KBSV khuyến nghị mua với NKG, giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng là 24% so với giá đóng cửa ngày 28/05/2024.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Kết thúc quý I/2024, CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) đạt doanh thu thuần 18.855 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 27,9%, tăng 0,7ppts so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay ghi nhận 1.622 tỷ đồng, mặc dù giảm nhẹ so với các quý trước tuy nhiên vẫn duy trì mức độ khá cao. Lợi nhuận thuần sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số đạt 479 tỷ đồng (tăng 9%), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 104 tỷ đồng (giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng với MCH và WCM tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh sức mua đi ngang. MCH tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhờ liên tục ra mắt các dòng sản phẩm mới, thúc đẩy xuất khẩu. WCM tiếp tục mở mới cửa hàng đồng thời đã lấy lại đà tăng trưởng doanh thu trên các cửa hàng cũ. MML nhờ giá lợn tăng cao cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

MHT tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhu cầu khách hàng toàn cầu suy yếu. PLH cũng gặp khó khăn do tiêu dùng yếu cùng với cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ trên thị trường F&B. Công ty liên kết TCB lại đóng góp tăng trưởng tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng vượt trội.

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của MSN với doanh thu thuần đạt 87.927 tỷ đồng (tăng trưởng 12,4% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng trên mức nền thấp đạt 1.258 tỷ đồng (tăng trưởng 200%). Với kỳ vọng tăng trưởng tích cực từ các công ty thuộc hệ sinh thái bán lẻ - tiêu dùng cùng với sự phục hồi qua đáy của MHT, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 88.400 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu CTG

CTCK MB (MBS)

Trong quý đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG – sàn HOSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 19.067 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó thu nhập lãi thuần tăng 19,8% và thu nhập ngoài lãi giảm 10,6%.

Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động đạt 20,4%. Tỷ lệ CIR trong kỳ đạt 25,2%, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng đạt 8.049 tỷ đồng, tăng 19,7% và 80% so với quý liền trước khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5.003 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% và giảm 17,4% so với quý IV/2023.

Mức lợi nhuận sau thuế này đạt 22,2% dự báo cả năm 2024 của chúng tôi và thấp hơn 6% so với kế hoạch của Ngân hàng. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2024 sẽ tăng 12,6% và tăng tốc lên mức 26,7% trong năm 2025 nhờ NIM tăng và chi phí trích lập giảm tốc so với 2024.

Tỷ lệ NPL cuối quý I/2024 đạt 1,35%, tăng 22 điểm cơ bản so với đầu năm. CTG có tỷ lệ NPL thấp thứ 3 (sau TCB và VCB) trong nhóm các NHTM có vốn hóa lớn. Mặc dù vậy, tỷ lệ NPL này lại tương đương với mức đỉnh tại cuối quý III/2023 cho thấy áp lực gia tăng nợ xấu đối với CTG vẫn còn lớn. Nợ xấu gia tăng khiến CTG mạnh tay trích lập đưa tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ trong quý lên mức 0,53%, cao gấp đôi so với mức của quý IV/2023. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của CTG đạt 150,8% tại cuối quý I/2024, giảm đáng kể so với cuối năm 2023 (đạt 167,2%) và so với cùng kỳ (đạt 173%). NPL được dự báo duy trì ở mức 1,35% tại cuối 2024 và tăng nhẹ lên 1,4% cuối 2025.

Chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với CTG với giá mục tiêu là 33.800 đồng/CP dựa trên (1) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 đạt 12,6%, thấp hơn so với trung bình các ngân hàng theo dõi (tăng 21,8% so với cùng kỳ) (2) mặc dù NPL vẫn ở mức dưới 2% nhưng tỷ lệ trích lập của CTG là tương đối lớn, đặc biệt khi so sánh với 2 NHTMNN khác là VCB và BID. Điều này theo chúng tôi là lý do khiến định giá của CTG thấp hơn đáng kể so với 2 ngân hàng trên.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KBC

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP với giá trị hợp lý năm 2025 là 38.800 đồng/CP (Upside 21% so với giá mở cửa ngày 28/5/2024). So với báo cáo trước đó, BSC bổ sung thêm Cụm công nghiệp Hưng Yên vào danh mục dự án định giá do dự án đã bắt đầu triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, áp dụng chiết khấu 20% cho dự án Tràng Duệ 3 do phản ánh lùi tiến độ bàn giao từ năm 2024 sang 2025. BSC giảm 9% giá mục tiêu so với Báo cáo trước chủ yếu đến từ chiết khấu 20% dự án Tràng Duệ 3.

Ngoài ra, BSC lưu ý chúng tôi đang áp dụng mức chiết khấu 50% đối với dự án Tràng Cát và 100% đối với các dự án Cụm công nghiệp Long An và Tân Tập để phản ánh các rủi ro về tiến độ triển khai.

Trong năm 2024, BSC dự báo KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.813 tỷ đồng (tăng trưởng 3% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số đạt 1.896 tỷ đồng (giảm 7%), tương đương EPS FWD 2024 là 2.470 đồng/CP, P/E FWD 2024 = 13x, P/B FWD 2024 = 1.1x, chủ yếu nhờ bàn giao 55 ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, 16 ha KCN Quang Châu, 30 ha KCN Tân Phú Trung và 9 ha các dự án NOXH Tràng Duệ - Thị trấn Nềnh. So với năm 2023, BSC dự báo kết quả kinh doanh KBC sụt giảm 12% chủ yếu do (1) thiếu các dự án KCN mới gối đầu để bàn giao, (2) mức nền cao từ năm 2023 – bàn giao cho Foxconn tại KCN Quang Châu.

Trong năm 2025, BSC dự báo KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.193 tỷ đồng (tăng trưởng 75%), lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số đạt 3,295 tỷ đồng (tăng trưởng 74%), tương đương EPS FWD 2025 là 4.292, P/E FWD 2025 = 7.5x, P/B FWD 2025 = 0.9x, chủ yếu nhờ bàn giao 43 ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, 30 ha KCN Tân Phú Trung, 50 ha Tràng Duệ 3, 14 ha các dự án NOXH Tràng Duệ - Thị trấn Nềnh, và bán sỉ 20 ha dự án Tràng Cát.

Luận điểm đầu tư dành cho KBC: Điểm rơi bàn giao phần còn lại KCN Nam Sơn Hạp Linh, Quang Châu, Tân Phú Trung sẽ tập trung vào 2H.2024. BSC lùi kỳ vọng KBC bàn giao dự án Tràng Duệ sang năm 2025; Dự án Tràng Cát sẽ sớm được mở khóa, và là động lực tăng trưởng mới cho KBC trong năm 2025; Định giá đang ở mức thấp: P/E FWD 2025 = 7.5x, P/B FWD 2025 = 0.9x, thấp hơn so với P/E trung bình của KBC = 19x, P/B trung bình của KBC = 1.3x trong 5 năm gần nhất. Giá trị cổ phiếu đang chiết khấu 43% so với tổng giá trị danh mục dự án RNAV của KBC.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn