ĐHĐCĐ TV2: Kế hoạch kinh doanh đi ngang

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, HOSE: TV2) diễn ra vào sáng ngày 23/06/2023. Tại đại hội, cổ đông TV2 đã thông qua mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ so với thực hiện năm trước.

ĐHĐCĐ TV2: Kế hoạch kinh doanh đi ngang

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, HOSE: TV2) diễn ra vào sáng ngày 23/06/2023. Tại đại hội, cổ đông TV2 đã thông qua mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ so với thực hiện năm trước.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TV2. Ảnh: Hồng Đức

Cụ thể, TV2 dự kiến mức doanh thu năm 2023 là 1,363.7 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế dự kiến 64.1 tỷ đồng, tăng trưởng 1.7%. Tỷ lệ lãi trước thuế trên tổng doanh thu tương đương 2022.

Kế hoạch 2023 của TV2

Các chỉ tiêu được đặt ra dựa trên dự báo năm 2023 là năm khó khăn với nền kinh tế, với những rủi ro từ dịch bệnh, lãi suất và áp lực lạm phát, trong khi lĩnh vực năng lượng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng chậm trong ngắn hạn và quy hoạch điện 8 (QHĐ8) cần thời gian để áp dụng. Các chỉ tiêu được TV2 đánh giá là phù hợp cho năm 2023.

Bên cạnh đó, TV2 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư, góp vốn vào các đơn vị khác trên cơ sở các kế hoạch được phê duyệt từ ĐHĐCĐ 2022; đồng thời tiếp tục công tác thoái vốn tại các CTCP EVN quốc tế và CTCP Thủy điện Buôn Đôn, tuân thủ Luật Doanh nghiệp 2020 về việc không được sở hữu chéo.

Doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư các dự án Biomass với tổng công suất 100MW, các dự án kết hợp thủy điện tích năng quy mô nhỏ và năng lượng tái tạo; đồng thời hướng đến điện rác, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh để đảm bảo nguồn công việc ngắn và trung hạn.

Cụ thể hơn, Doanh nghiệp dự kiến góp vốn với tổng giá trị dự kiến 43 tỷ đồng, cho các dự án tại CTCP Đầu tư Thủy điện Thác Bà 2 (33.8 tỷ đồng), CTCP năng lượng sinh khối Hậu Giang (5.8 tỷ đồng), dự án điện sinh khối Trà Vinh (3.5 tỷ đồng).

Về kế hoạch thù lao, Doanh nghiệp dự chi 1.37 tỷ đồng tổng quỹ tiền lương, và 418 triệu đồng tổng quỹ thù lao HĐQT và BKS. Trong đó, Thành viên HĐQT nhận 6.9 triệu đồng/tháng; Trưởng BKS nhận 7.2 triệu đồng/tháng; Thành viên BKS nhận 6.9 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp dự chi cổ tức 2022 với tỷ lệ 10%. Tỷ lệ năm 2023 sẽ không thấp hơn mức này.

Thảo luận:

Từ QHĐ8, ngành điện cần pháp lý gì để thi hành các dự án trong quy hoạch này?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Ngày 15/05/2023, QHĐ8 được phê duyệt. Tôi chưa thấy có tổng sơ đồ điện nào được  xem xét kỹ như vậy. Nó phù hợp với tình hình phát triển, với xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới nên cần xem cẩn thận.

Có một số việc phải làm. Ngày 30/06, Bộ Công Thương phải báo cáo về công việc phải làm. Các tỉnh thành trong QHĐ8 được phê duyệt theo nguyên tắc, quy hoạch chung.

Với tình hình thiếu điện như hiện tại, có lẽ Chính phủ sẽ sớm có phê duyệt với các kế hoạch thực hiện tiếp theo, qua đó đưa QHĐ8 sẽ thực sự bắt đầu triển khai.

Với QHĐ8, TV2 sẽ định vị mình ở đâu? Tôi xin chia sẻ qua: TV2 sẽ được khai thông nhóm tư vấn lưới điện. Ngoài ra là nhóm công việc mới về năng lượng tái tạo, về điện khí – nhóm này cũng được khai thông.

Ngoài ra, QHĐ8 có đề cập đến vấn đề “tự sản tự tiêu”, nghĩa là các khu công nghiệp, tòa nhà, trụ sở được cơ chế triển khai dự án để tự phục vụ. Đây cũng là một mảng công việc của TV2, nhằm tiếp cận và đảm nhận các công việc dự án.

Cập nhật về dự án Sông Hậu 2?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Theo trao đổi với chủ đầu tư, tình hình thu xếp vốn là khá thuận lợi. Hợp đồng thì ký rồi, 2 cái về PEC và vận hành.

Về vốn, dự án có vốn từ EXIMBANK và ngân hàng của Malaysia. Về phía chủ đầu tư, dự án này họ sẽ phải làm, vì họ đã bỏ ra quá nhiều tiền rồi. Nhìn chung, thu xếp vốn là khả thi.

Lợi thế về tư vấn LNG?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Về tuabin khí, TV2 gần như làm đa số. Hãy nhìn Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau đều do TV2 làm. Như khi triển khai mỏ khí Bạch Hổ, chúng tôi đã nhận chỉ đạo tư vấn, và qua đó tạo ra nhà máy Phú Mỹ. Nhà máy Phú Mỹ 4 là do TV2 tư vấn chính.

Sắp tới cũng vậy thôi. LNG chỉ là nhiên liệu về bản chất. Chúng tôi cũng là những người có kinh nghiệm.

Nhưng sắp tới, chúng tôi không chỉ làm tư vấn nữa vì nó chỉ mang giá trị lợi nhuận thấp. Chúng tôi hướng tới tổng thầu, để tham gia vào lĩnh vực thu xếp vốn, đặt mối quan hệ với các tổ chức cho vay. Như ở Tân Thuận, chúng tôi tự làm việc chứ không nhờ bên nào.

Dự án Long Sơn có triển khai tiếp không, kế hoạch bao giờ triển khai?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Dự án nằm trong chủ trương từ 2026 theo QHĐ7 điều chỉnh. Nhưng theo QHĐ8 thì nằm trong 2030. Mà tôi sợ cũng không làm được, nên đừng chú tâm vào thời hạn này làm gì. Từ thiết kế, thu xếp vốn, đàm phán nhiên liệu, e là không kịp.

Với Long Sơn, chúng ta chỉ tham gia 10%, và cố gắng theo chiến lược tham gia vào thiết kế, xây dựng, cùng EVNGenco3 (PGV) giành phần vận hành. Hy vọng 7 năm tới sẽ tích được vốn để đầu tư vào Long Sơn.

Biên lợi nhuận O&M (dịch vụ vận hành)?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Lợi nhuận có nhiều yếu tố, như đàm phán giá, quản lý chi phí, kiểm soát công nghệ. Như vậy, rất khó để trả lời con số cụ thể. Chúng tôi đi theo hướng tư vấn vận hành O&M tương đối khác so với công ty khác.

Trên thị trường, O&M rất nhiều, từ lớn đến nhỏ và tạo ra thị trường khá hỗn loạn. Nhưng TV2 đi theo hướng ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, cung cấp theo trải nghiệm khách hàng. O&M nhìn chung hoạt động hiệu quả, mang lại dòng tiền cho công ty.

Về việc thoái vốn tại EVN quốc tế và thuỷ điện Buôn Đôn, tiền thu về dự kiến là bao nhiêu?

Chủ tịch Nguyễn Chơn Hùng: Với Buôn Đôn, TV2 tham gia 16 tỷ đồng ban đầu, chiếm 33.2 triệu cp. Giờ thoái vốn, có thể thu về khoảng 60 tỷ đồng.

Thú thực là TV2 không muốn bán vì mới qua thời điểm trả hết nợ, nhưng bắt buộc theo quy định về sở hữu chéo.

Với EVN Quốc tế, vốn ban đầu 1.6 tỷ đồng. Hiện tại giá khoảng hơn 3 tỷ đồng. Nhìn chung thì không nhiều, nhưng theo quy định thì đành phải thoái vốn.

Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.

Hồng Đức

FILI