Điểm sáng dòng tiền tự doanh

Chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm có hiệu suất kém nhất thế giới trong thời gian qua. Nguồn: StockQ.

Những thông tin vĩ mô kém sắc từ cả trong và ngoài nước xuất hiện dồn dập tác động lên tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tỏ ra lo ngại với tình hình căng thẳng leo thang khu vực Trung Đông giữa Iran và Isarel, tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ, tỷ giá trong nước leo thang và sức nóng giá vàng.

Hệ quả là, chứng khoán bị bán tháo. VN-Index mất hơn 100 điểm (tương đương 6,6%) trong 4 phiên giao dịch. Tồi tệ hơn, chỉ số của sàn HNX giảm tới 7,6%. Những phiên giao dịch với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn đã xuất hiện.

Chứng khoán Việt Nam lọt nhóm thị trường có trạng thái tồi hệ nhất trong khung thời gian một tuần, hai tuần và kể từ đầu tháng 4. VN-Index giảm 8,5% so với cuối tháng 3, mức giảm chỉ đứng sau chỉ số bán dẫn Philadelphia (12,2%).

Song cần nói rằng, sắc đỏ đã bao phủ thị trường tài chính toàn cầu trong ba tuần gần đây khi những nguy cơ rủi ro hiện hữu. Các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Mỹ, Philippines, Thái Lan, Australia, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong đều giảm sâu, nhưng mức giảm có phần thấp hơn với chứng khoán Việt Nam.

Trạng thái tiêu cực của thị trường đã kích hoạt lệnh bán, bao gồm cả việc bán chủ động và lệnh giải chấp từ các công ty chứng khoán. Thanh khoản của thị trường bị đẩy lên cao. Trong tuần 15 – 19/4, thanh khoản trên HOSE đạt 130.589,27 tỷ đồng, tăng 36,1% so với tuần trước đó, trên mức trung bình. Khối phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng áp lực bán gia tăng mạnh, đột biến hơn ở nhiều mã/nhóm mã.

Việt Nam Đồng mất giá gần 5% chỉ sau 4 tháng đầu năm nay. Yếu tố tỷ giá là mối lo ngại của cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp (FII). Quan sát cho thấy khối ngoại tiếp tục xu hướng rút với giá trị hơn 2.200 tỷ đồng tuần qua, đánh dấu chuỗi bán ròng đột biến trên HOSE.

 Giao dịch theo tuần của khối tự doanh CTCK trên HOSE. Nguồn: HL tổng hợp.

Trong bối cảnh này, khối tự doanh công ty chứng khoán hành động đi ngược xu hướng dòng tiền tổ chức. Thống kê trong tuần 15 – 19/4, khối tự doanh mua ròng đột biến 2.235 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, đánh dấu mức cao nhất trong hai năm trở lại đây. Trong đó, giá trị mua qua kênh khớp lệnh là 1.720 tỷ đồng, còn lại 515 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận.

Quan sát cho thấy lực mua khớp lệnh của khối tự doanh duy trì trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong ba phiên chứng khoán giảm sâu (15/4, 16/4 và 19/4). Riêng phiên 17/4, khi đà giảm được hãm lại, tự doanh đảo chiều bán ròng khớp lệnh gần 370 tỷ đồng.

Đột biến trong phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh (16/4), giá trị mua – bán khớp lệnh của khối tự doanh đạt lần lượt 1.533 tỷ đồng và 597,3 tỷ đồng.

Việc tự doanh đẩy mạnh mua ròng qua kênh khớp lệnh trong tuần qua 15 – 19/4 khiến dòng tiền tổ chức này đảo chiều sau khi rút ròng 1.181 tỷ đồng trong tuần trước đó. Lũy kế tính đến ngày 19/4, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 568 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE qua kênh khớp lệnh và 606 tỷ đồng bằng giao dịch thỏa thuận.

Trong tháng 3, tự doanh rút ròng 2.565 tỷ đồng bằng bán khớp lệnh trên sàn. Việc bán này là nghiệp vụ tạo lập thị trường, nhằm hoàn trả tiền cho nhà đầu tư khi các quỹ ETF nội như DCVFM VNDiamond ETF, DCVFMVN30 hay SSIAM VNFin Lead vẫn chưa ngừng trạng thái bị rút quỹ.

Dòng tiền tự doanh đảo chiều góp phần tạo lực cầu nâng đỡ, là điểm sáng khi thị trường bị bủa vây bởi những thông tin tiêu cực.

 Top10 cổ phiếu được khối tự doanh mua/bán ròng nhiều nhất trên HOSE tuần 15 - 19/4. Nguồn: HL tổng hợp.

Quan sát cho thấy, ngân hàng là tâm điểm dòng tiền tự doanh khi được mua ròng 1.125 tỷ đồng tuần vừa qua, kế đến là bán lẻ (204 tỷ đồng), thép (166 tỷ đồng).

Chi tiết theo mã, VPB và MBB được tự doanh gom nhiều nhất, lần lượt đạt 518,3 tỷ đồng và 218,2 tỷ đồng trong tuần qua. Ba bluechip khác ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng là HPG (146,6 tỷ đồng), FPT (145 tỷ đồng) và MWG (129 tỷ đồng). Top10 cổ phiếu được mua mạnh nhất còn có một số cái tên khác đến từ nhóm cổ phiếu vua như ACB (96,6 tỷ đồng), CTG (68,2 tỷ đồng) và HDB (57,6 tỷ đồng). Ngoài ra, SSI và VNM được mua 78,1 tỷ đồng và 57,5 tỷ đồng.

Ngược lại, VIX bị xả mạnh nhất với 168,2 tỷ đồng, theo sau là STB (102,3 tỷ đồng). Những mã còn lại có quy mô bán 5 - 15 tỷ đồng như VRE, BAF, POW, TCH, DXG, HT1, LPB và VND.

Xem thêm tại vietnambiz.vn