Những tín hiệu "mùa Xuân" cho khối doanh nghiệp nhà nước

Trong chia sẻ mới đây, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, năm 2023 đã đánh dấu là một năm thành công toàn diện của ngành nông nghiệp Việt Nam với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước và đạt được thành tích xuất khẩu gạo kỷ lục về sản lượng là 8,3 triệu tấn, thu về 4,5 tỷ USD. Với cơ hội xuất khẩu gạo được mở ra, lãnh đạo Vinafood 1 cho hay, hết năm 2023, Tổng công ty đã đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, trong đó các chỉ tiêu về sản lượng và kim ngạch đạt 141% và 174%.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, nhu cầu lúa gạo toàn cầu vẫn ở mức cao, giá có khả năng duy trì trên 600 USD/tấn. Hơn nữa, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã liên tục có các chỉ đạo về các biện pháp đẩy mạnh ký các hợp đồng lớn dài hạn. Bà Tâm cho biết, tín hiệu đáng mừng là ngay những ngày cuối tháng 1/2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng áp đảo khi giành được khoảng 350.000 tấn trong gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia.

Cũng kỳ vọng nhiều vào hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 và đã có kết quả khả quan ngay từ đầu năm, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết đang khẩn trương chuẩn bị lô hàng phân bón chất lượng cao để chính thức xuất khẩu sang các thị trường khó tính của thế giới là Australia và New Zealand. Hiện sản phẩm phân bón Cà Mau của công ty này đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 344 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD.

Về phía công ty mẹ, năm 2024, PVN đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn đạt 734.200 tỷ đồng, cao hơn 56.500 tỷ đồng so với kê hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế là 22.000 tỷ đồng. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo PVN đánh giá, năm 2024 có nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn cũng có những thuận lợi nhờ đẩy mạnh mở rộng quy mô về doanh thu và hạ tầng kinh doanh, các quan hệ ngoại giao giúp mở rộng thị trường, thể chế, chính sách từng bước tháo gỡ. Mặc dù kế hoạch đặt ra như trên, nhưng lãnh đạo PVN lại kỳ vọng doanh thu đạt trên 970.000 tỷ đồng, thậm chí phấn đấu đạt 1 triệu tỷ đồng.

Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), lãnh đạo ACV cho biết đã đề ra các giải pháp để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024. Trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không năm 2024, ACV đặt trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm 2024, Tổng công ty đã trình chủ trương đầu tư dự án mở rộng Cảng hàng không Cà Mau với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, mục tiêu khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành cuối năm 2025.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 1/2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành một số quyết định giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp 2024 cho một số tập đoàn, tổng công ty thành viên. Chẳng hạn, Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam được giao tổng doanh thu 4.561 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 780 tỷ đồng, không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. Với Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy ban giao nhiệm vụ tổng doanh thu 778,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 480,4 tỷ đồng, cùng với đó là các nhiệm vụ như đảm bảo cơ cấu sản phẩm, đảm bảo nguồn lực phát triển các dự án ngành hóa chất có quy mô, nâng cao năng suất lao động…

Có thể thấy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng với những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tháo gỡ về cơ chế, chính sách.

Lãnh đạo Vinafood 1 bày tỏ, Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền sâu hơn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tăng tính chủ động, thích ứng ngay được với biến động của thị trường nhằm sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn. Vị này lý giải, trong ngành lương thực hiện nay đang có hơn 200 nhà xuất khẩu và số lượng doanh nghiệp lương thực nội địa rất lớn, nếu thủ tục kéo dài, nhiều tầng nấc thì sẽ khiến các doanh nghiệp lỡ mất nhiều cơ hội xuất khẩu gạo ra bên ngoài.

Mới đây, tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư phát triển. Các tập đoàn, tổng công ty được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển với các chỉ tiêu tài chính, nhất là đóng góp ngân sách nhà nước vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 phải cao hơn năm 2023.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn