Quỹ đầu tư rộn ràng thoái vốn khi thị giá PGC ‘phi vun vút’

MB Capital tiếp tục muốn bán ra thêm 1.2 triệu cp của Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP (HOSE: PGC) từ ngày 08/10 - 06/11. Đây đã là đợt thoái vốn thứ 3 từ tháng 6 đến nay của cổ đông này. Một quỹ đầu tư khác là Japan Asia MB Capital cũng rục rịch thoái vốn.

Quỹ đầu tư rộn ràng thoái vốn khi thị giá PGC ‘phi vun vút’

MB Capital tiếp tục muốn bán ra thêm 1.2 triệu cp của Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP (HOSE: PGC) từ ngày 08/10 - 06/11. Đây đã là đợt thoái vốn thứ 3 từ tháng 6 đến nay của cổ đông này. Một quỹ đầu tư khác là Japan Asia MB Capital cũng rục rịch thoái vốn.

2 quỹ đầu tư muốn bán mạnh cổ phiếu PGC

Nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư, MB Capital vừa đăng ký bán 1.2 triệu cp PGC nhằm hạ sở hữu từ mức 3.3 triệu cp (5.5%) xuống còn 2.1 triệu cp (3.5%). Các giao dịch sẽ diễn ra từ ngày 08/10 - 06/11.

Trước đó không lâu, MB Capital vừa bán ra cùng lượng 1.5 triệu cp trong 2 đợt giao dịch từ 10/06 - 09/07 và 16/07 - 13/08.

Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital cũng dự định thoái vốn tại đây. Cụ thể, Japan Asia MB Capital đăng ký bán sạch gần 1.6 triệu cp tương đương 2.6% vốn đang sở hữu tại PGC. Giao dịch dự kiến cũng thực hiện trong khoảng thời gian từ 08/10 - 06/11.

Chiếu theo giá 31,000 đồng/cp chốt phiên 04/10, ước tính thương vụ của MB Capital và Japan Asia MB Capital có giá trị lần lượt khoảng 37 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.

Thị giá PGC hòa chung làn sóng tăng phi mã của nhóm phân phối khí đốt

Động thái thoái vốn của các quỹ đầu tư diễn ra giữa bối cảnh thị giá cổ phiếu PGC tăng dựng đứng từ cuối tháng 8/2021 đến nay. Cụ thể hơn, từ 25/08 đến 04/10 (tức chỉ hơn 1 tháng), PGC đã tăng giá đến gần 75%, leo lên 31,000 đồng/cp.

Đà tăng không hẹn trước của PGC hòa chung với làn sóng phi mã của nhóm cổ phiếu phân phối khí đốt, với những gương mặt điển hình khác như GAS, ASP, PGD, CNG, PCG, PGS, PVG

Diễn biến bất ngờ trên được cho là hưởng lợi bởi sự khủng hoảng thiếu khí đốt đang lan rộng trên toàn cầu, bộc phát trong khoảng vài tháng gần đây.

Giá khí đốt - nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sưởi ấm và phát điện - tăng chóng mặt đầu tiên ở châu Âu, rồi lan sang thị trường Mỹ và châu Á, khiến cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng mà thế giới đang đối mặt thêm phần nghiêm trọng.

Duy Na

FILI