Thị trường chứng khoán trong nước trải qua tuần giao dịch (8/1 - 12/1) với nhiều biến động, nhưng cơ bản vẫn khá cân đối khi áp lực chốt lời đều có dòng tiền mua cân đối. Tâm điểm chính của thị trường chứng khoán tuần qua là diễn biến rất tích cực và nổi bật của nhóm cổ phiếu ngân hàng. “Cổ phiếu vua” không chỉ là động lực chính giúp chỉ số tăng hoặc thu hẹp đà giảm qua từng phiên, mà còn đóng góp nổi trội về thanh khoản. Nhóm cổ phiếu này đã góp phần hỗ trợ thị trường giữ vững điểm số trước áp lực điều chỉnh mạnh gia tăng với hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại.
Chỉ số VN-Index trong những phiên đầu tuần liên tục biến động trong biên độ hẹp khi trong phiên được kéo tăng lên vùng 1.165 điểm - 1.170 điểm và chịu áp lực điều chỉnh liên tục về vùng giá 1.150 điểm. Phiên cuối tuần thị trường bất ngờ giảm điểm mạnh đầu phiên sau đó phục hồi trở lại. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index ở mức 1.154,7 điểm, hầu như không đổi so với tuần trước.
Trên sàn Hà Nội, thị trường trải qua một tuần điều chỉnh, khi chỉ số HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm 1,05% so với tuần trước về mức 230,31 điểm. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index giảm 1,1% để đóng cửa tại 86,9 điểm.
Về diễn biến các nhóm ngành, thị trường chứng khoán tuần qua dường như chứng kiến sự đối nghịch của nhóm ngân hàng với các nhóm ngành khác.
Theo đó, nhóm cố phiếu ngân hàng diễn biến rất tích cực cả về đà tăng lẫn thanh khoán, với rất nhiều mã tiếp tục tăng giá tích cực, thanh khoản đột biến lịch sử, nổi bật như: CTG (+8,62%), SHB (+6,49%), NVB (+6,25%), OCB (+4,56%), EIB (+4,50%), TCB (+4,37%)... Tuy vậy, trong nhóm này vẫn có một số mã điều chỉnh giảm như: NAB (-2,52%), VBB (-0,90%), SGB (-0,75%)...
Trong khi đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đa số chịu áp lực điều chỉnh với nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng mạnh kém tích cực như: FIR (-19,71%), HDG (-7,06%), HDC (-6,69%), HD6 (-6,58%), NHA (-6,21%).
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng chịu áp lực điều chỉnh với GVR (-6,42%), DTD (-5,43%), TIP (-5,24%), SZC (-4,10%)... Trong khi đó, một số duy trì đà tăng như: D2D (+2,97%), IDC (+1,35%), IDV (+1,08%).
Các cổ phiếu dầu khí đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh với PSH (-11,36%), PVB (-4,29%), PVC (-4,00%), PVS (-3,66%)...
Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần tăng khá tốt so với tuần trước. Trong đó, trên HOSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.625 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 7% so với tuần trước. |
Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần tăng khá tốt so với tuần trước. Trong đó, trên HOSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.625 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 7% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng tốt hơn trên HNX và UPCoM lần lượt đạt 25,7% và 16,3%. Thanh khoản đột biến trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng với khối lượng giao dịch của VN30 tăng mạnh 41,45% so với tuần trước thể hiện dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt và tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Khối ngoại giao dịch duy trì một tuần bán ròng, với giá trị bán ròng 614 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng 414 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng trên HNX với giá trị 162,3 tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm 2024 tới nay, khối ngoại đã bán ròng 1.805 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận khá nhiều thông tin vĩ mô. Đầu tiên là thông tin về Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 15/1/2024 và bế mạc ngày 18/1/2024 trong đó có nội dung trình Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng…
Bên cạnh thông tin thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu với dự báo tăng trưởng 2024 giảm về mức 2,4%; thì ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 giảm hệ số rủi ro của các khoản cho vay đối với các dự án bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%, nhưng các dự án bất động sản khác vẫn bị áp hệ số rủi ro là 200% như quy định cũ.
Xu hướng giằng co của thị trường chứng khoán trong nước có thể kéo sang tuần giao dịch tới khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành. |
Thị trường chứng khoán tuần tới (15/1 - 19/1) sẽ đón chờ thông tin chính thức của Kỳ họp bất thường của Quốc hội. Đồng thời, dòng chảy về thông tin kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 sẽ tiếp tục được chú ý. Dòng tiền dự báo sẽ phân hóa theo kết quả kinh doanh được hé lộ. Dòng tiền tuần qua duy trì khá tốt, nhưng tập trung nhiều vào nhóm ngân hàng, vì vậy thị trường cần sự luân chuyển hoặc đảo trụ của dòng tiền để giảm sự phụ thuộc lớn của nhóm ngân hàng.
Theo chuyên gia của VNDIRECT, xu hướng giằng co của thị trường chứng khoán có thể kéo sang tuần giao dịch tới khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành. Đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia. Với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới, việc thị trường thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế có thể xu khiến xu hướng tăng của thị trường khó được duy trì.
Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ trước Tết Âm lịch, trong khi một số yếu tố rủi ro đang nổi lên có thể ảnh hưởng tới xu thế chung của thị trường. Cụ thể, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, giá vàng vẫn đang neo cao, cùng với đó áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát.
Do đó, “các nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ kỷ luật ở thời điểm hiện tại, chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 - 1.140 điểm trước khi có những quyết định mua mới hay gia tăng tỷ trọng cổ phiếu” - Chuyên gia VNDIRECT khuyến nghị./.