Chứng khoán | 25/09/2023
Dấu hiệu nhận biết và Cách tìm siêu cổ phiếu để đầu tư
Siêu cổ phiếu được định nghĩa là các mã có mức độ tăng trưởng rất mạnh, có thể mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn cho nhà đầu tư. Vậy làm thế nào để xác định được siêu cổ phiếu?
Dấu hiệu nhận biết “siêu cổ phiếu”
Kỳ vọng tăng giá chính là mục tiêu mọi nhà đầu tư tìm kiếm ở các cổ phiếu.
Như đã đề cập ở bài viết: “Siêu cổ phiếu là gì? Có nên đầu tư vào siêu cổ phiếu?:“, chúng ta đã chia siêu cổ phiếu thành 2 loại dựa trên vốn hóa thị trường. Vì vậy, sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau của mỗi nhóm.
Cách 1: Dựa vào giá trị nội tại của doanh nghiệp
Cổ phiếu được định giá “siêu” rẻ
Nhiều nhà đầu tư hay lầm tưởng về giá siêu rẻ là cổ phiếu được mua/bán với giá 15.000 đồng, 10.000 đồng hay thậm chí 5.000 đồng. Họ gọi các cổ phiếu giá rẻ này là “siêu cổ phiếu” vì kỳ vọng sẽ xuất hiện các đợt tăng giá gấp 2, gấp 3 lần. Định giá siêu rẻ ở đây tức là thị giá cổ phiếu hiện tại đang bị thị trường đánh giá thấp hơn so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Có rất nhiều phương pháp để định giá một cổ phiếu, chẳng hạn như: Chỉ số P/E, P/B, EV/EBITDA, FCFF, … Bạn cần lưu ý rằng giá trị hợp lý của cổ phiếu nói chung và siêu cổ phiếu nói riêng sẽ luôn dao động trong một khoảng chứ không phải là một con số đơn thuần.
Đồng thời, nhà đầu tư cần xác định lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động (ngân hàng, tài chính, sản xuất,….) để từ đó xác định đúng phương pháp định giá cần sử dụng.
Ngoài ra, có một số nguồn bạn có thể tham khảo…
-
- Báo cáo định giá của các CTCK
- Định giá của các trang web tài chính
Việc định giá chỉ mang tính chất tương đối và định giá bằng nhiều phương pháp khác nhau càng tốt. Sau đó, hãy tính trung bình các phương pháp này bằng cách gắn thêm trọng số cho mỗi phương pháp.
VD: Bạn định giá cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát – doanh nghiệp sản xuất sắt thép – bằng P/E, EV/EBITDA, FCFF, tham khảo báo cáo định giá của CTCK, định giá của các trang web tài chính.
Ta có bảng như sau:
Phương pháp |
Giá trị (đồng) |
Trọng số |
P/E |
15.000 |
10% |
EV/EBITDA |
20.000 |
45% |
FCFF |
18.000 |
20% |
Báo cáo của CTCK |
24.000 |
15% |
Định giá của trang web tài chính |
26.000 |
10% |
Kết quả |
20.300 |
*tổng: 100% |
LƯU Ý:
- Giá trị cổ phiếu trong các phương pháp chỉ mang tính chất minh họa.
- Việc gắn trọng số tùy thuộc vào độ tin cậy của bạn với phương pháp đó.
- Sau đây là công thức tính kết quả:
Kết quả = 15.000 x 10% + 20.000 x 45% + 18.000 x 20% + 24.000 x 15% + 26.000 x 10% = 20.300
Ban lãnh đạo có tâm – tầm – tài
Có thể nói đây là yếu tố quan trọng bậc nhất khi đánh giá “siêu cổ phiếu” …
- Ban lãnh đạo có tâm (tận tâm) là luôn chăm chút và nuôi dưỡng doanh nghiệp của mình tạo ra giá trị cho xã hội.
- Ban lãnh đạo có tầm (tầm nhìn) là có tư duy chiến lược về sản phẩm/dịch vụ không những đáp ứng cho hiện tại mà còn phát triển trong tương lai.
- Ban lãnh đạo có tài (tài giỏi) là cần có tri thức, hiểu biết và sử dụng các mối quan hệ để làm nền tảng thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.
Nguồn tài chính lành mạnh
Đây là yếu tố quan trọng thứ 2 của nhóm siêu cổ phiếu này, nguồn tài chính của doanh nghiệp có lành mạnh hay không được đánh giá thông qua “Các chỉ tiêu về tài chính”
Một vài chỉ số phổ biến như: ROE, ROA, Biên lợi nhuận gộp, Biên lợi nhuận ròng, EBIT, DAR, Nợ/VCSH, …
Hiện nay, có rất nhiều trang web cung cấp thông tin về các chỉ số này. Bạn cần hiểu rõ về các chỉ số thì việc đánh giá doanh nghiệp và tìm ra siêu cổ phiếu mới thực sự hiệu quả. Thư viện kiến thức của DNSE luôn cập nhật hàng ngày. Không những về các chỉ tiêu tài chính mà bạn đọc có thể tham khảo rất nhiều kiến thức hay và bổ ích khác nữa.
Doanh nghiệp chỉ vừa niêm yết hoặc chưa được biết đến rộng rãi
Doanh nghiệp mới niêm yết được kỳ vọng sẽ có bước đột phá tăng trưởng về quy mô, doanh thu và lợi nhuận. Đây là động lực chính thúc đẩy cho đà tăng giá của cổ phiếu nhóm này.
Một yếu tố khác cần được xét đến, đó là sự “phổ biến”của doanh nghiệp. Hiểu đơn giản là mức độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Nếu doanh nghiệp không khai thác tốt sự “phổ biến” này, sẽ khó lòng gia tăng sản lượng bán hàng hoặc cung ứng (dịch vụ). Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Cách 2: Dựa vào xu hướng giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu
Các yếu tố thuộc về cơ bản (như đã đề cập ở Nhóm 1) sẽ không thể áp dụng để với nhóm doanh nghiệp này, và nếu có áp dụng thì sẽ rất khó để tìm ra được một doanh nghiệp thỏa mãn các yếu tố trên.
Do đó, chúng ta cần sử dụng các tiêu chí khác để đánh giá và tìm ra siêu cổ phiếu của những doanh nghiệp nhóm này. Cụ thể, đó là các yếu tố thuộc về phân tích kỹ thuật …
Xuất hiện chuỗi các phiên tăng giá liên tục khi giá vượt khỏi nền giá hiện tại (breakout)
Đây là dấu hiệu nhận biết đầu tiên của siêu cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu vượt khỏi nền tích lũy hiện tại và thanh khoản (khối lượng giao dịch) liên tục tăng cao (ở các phiên sau), điều này thể hiện dòng tiền tham gia vào thị trường rất mạnh liên tục đẩy giá cổ phiếu lên mức cao mới. Nếu có 3-5 phiên tăng mạnh trên 3% liên tiếp thì đó là tín hiệu tuyệt vời.
Số phiên tăng nhiều hơn số phiên giảm kể từ khi breakout
Sau một nhịp tăng mạnh kể từ khi breakout, việc cổ phiếu điều chỉnh là không thể tránh khỏi bởi áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, trong 15 phiên giao dịch lại có tới 8 – 10 phiên tăng giá và chỉ có 5 – 7 phiên giảm giá thì đây là một dấu hiệu tích cực cho biết: “Cổ phiếu có khả năng tiếp tục tăng”. Và đây là nền tảng vững chắc để hình thành nên một siêu cổ phiếu.
Giá điều chỉnh tự nhiên kèm với thanh khoản giảm dần
Đây là tiêu chí bổ trợ cho tiêu chí #2 nói trên. Khi xuất hiện những phiên điều chỉnh, thanh khoản của cổ phiếu cần thiết phải thu hẹp lại, lý tưởng nhất là phải thấp hơn mức trung bình của 20 phiên trước đó.
Điều này thể hiện rằng, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu hơn là bán ra. Lực cung bán ra rất yếu, không thể đẩy giá đi xuống.
Xuất hiện liên tiếp những phiên giao dịch có thanh khoản đột biến
Thanh khoản liên tục gia tăng là biểu hiện cho thấy nhịp tăng giá này của cổ phiếu là do sự chủ động của người mua.
Giá tăng ít nhất 20% kể từ phiên breakout
Giá tăng mạnh và tăng nhanh sau là biểu hiện thường thấy của siêu cổ phiếu của nhóm này. Cụ thể, giá cổ phiếu cần tăng ít nhất 20% trong vòng 3 tuần đầu tiên sau phiên breakout. Đây là tín hiệu rất rõ ràng cho biết tiềm năng tiếp tục tăng giá của cổ phiếu.
Nhưng liệu có rủi ro nào khi đầu tư vào siêu cổ phiếu hay không? Bạn cần nhớ rằng, mọi hoạt động đầu tư đều tuân theo một quy luật bất biến – “Lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, lợi nhuận cao thì rủi ro cao”.
Ví dụ điển hình cho quy luật này, đó là siêu cổ phiếu của …
CTCP Licogi 14 (L14), thuộc nhóm vốn hóa nhỏ (Small-Cap), giá trị vốn hóa tính đến 05/07/2023 là 1.289,9 tỷ đồng. Tính từ thời điểm 01/10/2021 đến ngày 17/01/2022, tăng từ giá 78.000 đồng/cp lên hơn 416.000 đồng/cp, mức tăng hơn 420% trong hơn 3 tháng.
Tuy nhiên, kể từ khi thiết lập mức giá đỉnh cao này, L14 lại có diễn biến giá không mấy khả quan. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/07/2023, cổ phiếu của L14 đang được giao dịch ở vùng 41.000 đồng/cp.
Nếu bạn mua L14 ở mức giá cao nhất (416.000 đồng) và không bán ra, thì tính đến 05/07/2023 tài sản của bạn đã mất gần 90% giá trị. Một mức giảm khủng khiếp!
Cách tìm siêu cổ phiếu để đầu tư
Mỗi nhà đầu tư sẽ có cách thức để tìm được siêu cổ phiếu cho riêng mình. Phương pháp đầu tư vào siêu cổ phiếu được cho là khá tương đồng với phương pháp đầu tư tăng trưởng.
Trong bài viết này, DNSE sẽ giới thiệu với bạn cách chọn lọc cổ phiếu theo bộ lọc CANSLIM của nhà đầu tư tăng trưởng William J. O’Neil.
Mỗi ký tự trong CANSLIM đại diện cho một trong 7 đặc điểm chính của những cổ phiếu thành công đã được William nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ông xây dựng bộ lọc này dựa trên đặc trưng của các doanh nghiệp ở thị trường Mỹ. Vì vậy để phù hợp hơn với thị trường chứng khoán Việt Nam, DNSE sẽ điều chỉnh lại nội dung của một số tiêu chí.
C: Current Quarterly Earnings Per Share – Tăng trưởng EPS Quý hiện tại: Càng cao càng tốt
- Tăng trưởng EPS quý gần nhất và quý gần nhì phải đạt tối thiểu 20% – 25% so với quý cùng kỳ.
- Thu nhập phải đến từ hoạt động kinh doanh chính, cốt lõi của doanh nghiệp, ta phải loại bỏ những khoản lợi tức bất thường, chỉ xảy ra 1 lần.
A: Annual Earnings Increases – Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm: Tìm kiếm sự gia tăng đột biến
- Doanh nghiệp hoạt động có lãi trong 3 năm (hoặc 5 năm) liên tiếp.
- EPS 4 quý gần nhất so với 4 quý trước đó tăng trưởng >20%.
- LNST trong quý gần nhất hoặc năm gần nhất đạt hoặc gần đạt đến 1 đỉnh cao mới.
- ROE từ 17% trở lên.
N: New Products, New Management, New Highs – Sản phẩm mới, Ban quản lý mới, Đỉnh cao mới
- Tìm kiếm những công ty vừa phát triển thành công những sản phẩm/dịch vụ, hoặc đã có những sản phẩm/dịch vụ thành công trên thị trường hoặc được hưởng lợi từ bộ máy quản lý mới, những điều kiện kinh doanh mới của lĩnh vực mà công ty đang hoạt động.
- Mua cổ phiếu khi giá vừa breakout từ những nền giá ổn định và sắp leo lên những đỉnh giá mới.
S: Supply and Demand: Cung – Cầu cổ phiếu: Siêu cổ phiếu có lượng mua vào (cầu) cao hơn đáng kể lượng bán ra (cung)
- Bạn nên tìm kiếm những doanh nghiệp đang mua lại cổ phiếu của chính họ (cổ phiếu quỹ) trên thị trường: đây là dấu hiệu tốt, hàm ý doanh nghiệp đang trông đợi sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
- Khối lượng giao dịch cần đảm bảo lớn hơn 10.000 cổ phiếu/phiên.
- Tại điểm cổ phiếu thiết lập mức giá cao mới thì khối lượng giao dịch tại đó phải tăng tối thiểu 50% so với khối lượng giao dịch bình quân của 50 phiên trước đó.
L: Leader or Laggard – Cổ phiếu dẫn đầu hay Cổ phiếu đội sổ
- Bạn nên mua những doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt, dẫn đầu trong ngành và là số 1 trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
- Trong một đợt điều chỉnh giá của thị trường tăng trưởng, các cổ phiếu có mức giảm giá ít nhất là một lựa chọn không tồi.
I: Institutional Sponsorship – Sự ủng hộ của các định chế tài chính, quỹ đầu tư: Theo chân kẻ đứng đầu
- Tìm kiếm những doanh nghiệp được các quỹ đầu tư, ngân hàng, các tập đoàn bảo hiểm, CTCK … nắm giữ lượng lớn cổ phiếu.
- Bạn cũng cần tìm hiểu về thành tích của các tổ chức đó, cũng như tiêu chí hay quan điểm đầu tư của họ để có thể đánh giá tổng quan về tình hình đầu tư vào doanh nghiệp.
- Bạn cần theo dõi nếu nội bộ doanh nghiệp, các cổ đông lớn, các quỹ đầu tư, … có động thái bán ra cổ phiếu. Đây có thể là tín hiệu xấu.
M: Market Direction – Định hướng thị trường
- “Timing is everything” – “Thời điểm là tất cả”.
- Đây là yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất trong CANSLIM. Nếu bạn đã xác định được đa số các yếu tố trên, nhưng chọn sai thời điểm để mua vào cổ phiếu thì không những không có lợi nhuận mà có thể còn thua lỗ.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu trọn vẹn về siêu cổ phiếu, từ khái niệm, đặc điểm cho đến dấu hiệu nhận biết và cuối cùng là cách tìm được siêu cổ phiếu để đầu tư. Hy vọng bạn sớm tìm ra được siêu cổ phiếu cho riêng mình. Hãy theo dõi DNSE thường xuyên để cập nhật kiến thức bổ ích nhé!