APS báo lỗ kỷ lục 363 tỷ đồng trong quý 2 

Theo BCTC quý 2/2022, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) báo lỗ sau thuế gần 363 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 4 tỷ đồng.

APS báo lỗ kỷ lục 363 tỷ đồng trong quý 2 

Theo BCTC quý 2/2022, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) báo lỗ sau thuế gần 363 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 4 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, kết quả trên chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh.

Trong kỳ, tổng doanh thu hoạt động của APS đạt 56.11 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 2 năm trước âm 1.3 tỷ đồng, song quý 2 năm nay lãi hơn 15.5 tỷ đồng; chủ yếu do chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản FVTPL.

Lỗ tài sản FVTPL trong quý 2/2022 tăng mạnh lên mức hơn 492 tỷ đồng, gấp 1,757 lần  cùng kỳ. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản FVTPL lên gần 461 tỷ đồng. Kết quả, mảng tự doanh của Công ty lỗ hơn 474 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản FVTPL ghi nhận ở mức hơn 598 tỷ đồng, giảm 34% so với đầu năm. Trong đó, danh mục cổ phiếu niêm yết chiếm phần lớn với hơn 381 tỷ đồng, còn cổ phiếu chưa niêm yết là 217 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC quý 2/2022 của APS

Tại danh mục tự doanh, APS nắm giữ các mã cổ phiếu niêm yết như API, NBB, TCH, AAT…, hầu hết khoản đầu tư này đều lỗ. Cụ thể, mã NBB lỗ gần 31 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 68%. Ngoài ra, Công ty mua thêm 20.51 tỷ đồng cổ phiếu TCH và đang chịu mức lỗ gần 4.2 tỷ đồng.

Đặc biệt, hai mã IDJAPI trong danh mục tự doanh của Công ty có liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng - cổ đông lớn của APS. Hiện, ông Lăng là CEO của Chứng khoán APEC đồng thời là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thành viên HĐQT và là cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Investment, HNX: API).

Tại ngày 30/06/2022, giá gốc khoản đầu tư vào IDJAPI là 165.1 tỷ đồng và 188.8 tỷ đồng, không thay đổi so với quý 1. Tuy nhiên, so với giá trị hợp lý cuối quý 1, giá trị hợp lý tại thời điểm cuối quý 2 của các khoản đầu tư này sụt giảm đáng kể. Cụ thể, giá trị hợp lý của IDJ từ 428.7 tỷ đồng (quý 1) giảm xuống 174.8 tỷ đồng; API từ 362.5 tỷ đồng xuống còn 172.7 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào NBB cũng có diễn biến tương tự. Sự biến động này khiến khoản chênh lệch giảm đánh giá lại FVPTL tại quý 2 của APS lên tới gần 461 tỷ đồng, từ đó làm tự doanh lỗ nặng.

Nguồn: BCTC quý 2/2022 của APS

Với các cổ phiếu chưa niêm yết, theo giá thị trường hiện tại, APS chịu lỗ 5 tỷ đồng, chủ yếu từ CTCP Thép Đình Vũ giảm từ mức 5.6 tỷ đồng xuống còn 1.6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 2/2022 của APS. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Do biến động của thị trường, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm nhẹ 4% so cùng kỳ, về 3.5 tỷ đồng. Song, doanh thu hoạt động tư vấn tăng 78%, đạt gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 17.85 tỷ đồng.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý 2 gấp 3.2 lần cùng kỳ, đạt 4.5 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động gấp 95.6 lần cùng kỳ, lên hơn 492 tỷ đồng. Các khoản chi phí quản lý và chí phí tài chính cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, APS báo lỗ sau thuế hơn 316 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước vẫn có lãi gần 38 tỷ đồng do mức tăng chung của thị trường chứng khoán.

Một số chỉ tiêu tài chính của APS tại ngày 30/06/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tổng tài sản tại cuối tháng 6/2022 của APS đạt hơn 1,120 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm.

Các khoản cho vay giảm 53% xuống còn gần 248 tỷ đồng. Giá trị cho vay margin cuối quý 2 hơn 185 tỷ đồng; ứng trước tiền bán cho khách hàng đạt 62 tỷ đồng.

Taị ngày 30/06/2022, nợ phải trả của APS giảm mạnh 87%, tương ứng giảm hơn 176 tỷ đồng, về mức 26.4 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn ở mức 21.8 tỷ đồng (giảm 82%); nợ phải trả dài hạn 4.6 tỷ đồng (giảm 94%).

Thế Mạnh

FILI