BĐS công nghiệp: Để đón ‘đại bàng’, diện tích lớn và giá thuê hợp lý là chưa đủ

Vừa qua, một sự kiện đáng chú ý về bất động sản công nghiệp với chủ đề “Xu hướng thiết kế bất động sản công nghiệp – đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện cập nhật nhiều xu hướng quy hoạch bất động sản công nghiệp, các yêu cầu về thiết kế công trình từ phía các chủ đầu tư nước ngoài cũng như những giải pháp cách nhiệt tối ưu năng lượng cho công trình công nghiệp.

Tham gia hội thảo, 5 diễn giả đến từ Saint-Gobain Việt Nam (SGVN), Công ty Cát Tường, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC), Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST), Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đã chia sẻ các góc nhìn và báo cáo quan trọng trước hơn 100 chủ đầu tư, tổng thầu và đơn vị thi công. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trưởng Bộ môn Kiến trúc Công nghệ tại HUCE, cho hay chính sách “Trung Quốc +1” đang góp phần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài dời xưởng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tính đến 20/11/2023, dòng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp cổ phần đạt 28,85 tỷ USD - tăng 14,8% so với cùng kỳ và tổng vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD - cao nhất 5 năm qua.

Trong bài trình bày về “Quy hoạch bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc”, ông Lãnh nhấn mạnh, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh… đang duy trì tốt lợi thế thu hút đầu tư FDI và tiềm năng khai thác các bất động sản công nghiệp, nhờ hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. 

Song ông Lãnh nhận định, ngoài ưu thế mặt bằng lớn và giá thuê hợp lý, bất động sản công nghiệp cần được đổi mới về quy hoạch để hòa nhịp vào xu hướng xây dựng và sản xuất bền vững trên thế giới. Đặc biệt, FDI rất quan tâm đến thuế carbon đánh vào toàn chuỗi sản xuất toàn cầu. Do đó, một số địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch khu công nghiệp sinh thái để dọn sẵn tổ đón “đại bàng FDI”.

Trình bày về “xu hướng thiết kế dự án công nghiệp đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế”, ông Nguyễn Trường Linh - Phó tổng giám đốc VNCC, chia sẻ ngoài tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, chủ đầu tư còn quan tâm đến yếu tố để kiến tạo công trình bền vững như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thụ nước nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon trong toàn hệ sinh thái vận hành hoặc đạt các cam kết về môi trường.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Giám đốc điều hành Công ty Cát Tường, cũng bổ sung thêm nhiều mong đợi về thiết kế từ phía chủ đầu tư nước ngoài. Đây vốn là những vấn đề khá mới mẻ đối với các đối tác xây dựng Việt Nam, tuy nhiên cũng là cơ hội lớn cho các đơn vị sẵn sàng năng lực để đáp ứng các tiêu chí khắt khe từ công năng đến yếu tố bền vững trong công trình từ các đối tác quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hải Anh - Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc Saint-Gobain Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm đến 36% tổng tiêu thụ năng lượng đang là vấn đề trăn trở hàng đầu của các chủ đầu tư. Ông Hải Anh cho rằng việc cách nhiệt hiệu quả giúp giảm chi phí làm mát, giảm tiêu thụ năng lượng trực tiếp, sẽ là một lối ra cho vấn đề này. Bên cạnh những giá trị công năng, một công trình cách nhiệt hiệu quả cũng giúp làm tăng 11% năng suất làm việc cho người sử dụng công trình. Theo đó, ông Hải Anh đã giới thiệu một số sản phẩm của Sait-Gobain Việt Nam giúp cách nhiệt hiệu quả như: hệ thống ống gió HVAC CLIMAVER 360, bông khoáng đá ROCKINSUL ISOVER hay hệ mái cách nhiệt.

Ngoài những chủ đề liên quan đến xu hướng quy hoạch và thiết kế bất động sản công nghiệp, giải pháp tối ưu năng lượng cho công trình công nghiệp, các thông tin sửa đổi 1:2023 – QCVN 06:2022/BXD về quy định an toàn cháy cho nhà và công trình cũng được đại diện Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) chia sẻ đến các khách mời tham dự hội thảo.

Các nội dung chuyên sâu về bậc chịu lửa, giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng; bảo vệ chống khói được thảo luận kĩ lưỡng để giúp chủ đầu tư, tổng thầu, đơn vị thi công nắm bắt những thông tin cập nhật và ứng dụng đúng khi tiếp cận và triển khai các dự án trong thời gian tới.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn