CEO Chứng khoán HSC: Lãi suất tiền gửi Việt Nam thấp hơn Mỹ khiến dòng vốn ngoại rút khỏi TTCK, năm 2024 dự báo vẫn tiếp tục
Bên lề Buổi lễ Đánh cồng Khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) sáng ngày 19/2/2024, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCK HSC, đã có những chia sẻ về nhận định TTCK năm 2024.
Ông có đánh giá gì về tiềm năng thị trường chứng khoán 2024?
Theo tôi là tích cực, dựa trên trên cơ sở kinh tế toàn cầu đã ổn định hơn, dù vẫn còn đối diện nhiều bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng nền kinh tế. Kinh tế trong nước có 2 khả năng, một là chính sách tiền tệ và tài khóa đều đang theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế. Dưới sự điều hành của NHNN, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, mặt bằng lãi suất thấp.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, thành xu hướng không thế đảo ngược – chúng tôi rất hi vọng vào diễn biến này, dù rằn để dịch chuyển sản xuất thì cần thời gian, nhưng đây là điểm gây hứng khởi cho nền kinh tế.
Đương nhiên chúng ta sẽ phải đối phó với “khủng hoảng thiếu”: cụ thể sẽ thiếu vốn, thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ; thiếu các nhà quản lý có thể nâng cấp chúng ta lên tầm khu vực.
Tuy nhiên, tôi rất mừng vì mọi chuyện đang đi theo hướng tích cực.
Riêng với thị trường nợ (nợ trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng) tôi cho rằng, thị trường này đã được giải quyết linh động nên cũng góp phần giảm tác động tiêu cực lên thị trường. Chúng tôi thấy lòng tin của nhà đầu tư đã quay trở lại và việc chúng ta cần làm là phải tránh được các sai lầm cũ rồi gây nên hệ lụy đã thấy các năm qua.
Mừng nhất là trong phát biểu, thứ trưởng Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Đức Chi nêu lên các trọng tâm, mà chúng tôi cũng rất ủng hộ, bao gồm:
Thứ nhất: xem lại Luật Chứng khoán – chính Luật chứng khoán có một số nội dung gây cản trở cho thị trường mấy năm gần đây
Thứ hai: cải thiện cơ sở hạ tầng về giao dịch.
Thứ ba: phải làm rõ về chất lượng hàng hóa, thông tin thị trường
Thứ tư: đặc biệt là quản trị, phải giám sát tính tuân thủ của các DN, thành viên một cách chặt chẽ, tránh những sự vụ không hay xảy ra trên thị trường, làm suy giảm lòng tìn của nhà đầu tư
Đây là các điểm mà tôi có lòng tin rằng nếu được cải thiện sẽ giúp thị trường tốt hơn.
Nhà đầu tư hiện nay đang quan tâm là Ngân hàng và chứng khoán – 2 ngành hưởng lợi từ lãi suất thấp. Đầu tư công sẽ kéo theo sản xuất như HPG, hay như điện (dù có nhiều cơ chế về chính sách giá) sẽ hưởng lợi – VLXD (sắt thép, betong), điện, cơ sở hạ tầng và viễn thông. Đặc biệt ngành công nghệ - những công ty hàng đầu như FPT là triển vọng tốt
Dòng vốn ngoại có tiếp tục bán ròng trong năm 2024?
Dòng vốn ngoại bán ròng trên thị trường niêm yết hơn 22.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng gần 1 tỷ USD, nhưng trên thị trường Private Equity (PE) – vốn tư nhân – thì vẫn đang chảy ròng vào Việt Nam. Nếu tính tổng vốn ngoại vào – ra thì vẫn là xu hướng rót vào ròng.
Họ đang bán ròng mạnh trên thị trường niêm yết, một trong nguyên nhân là chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD (Mỹ). Lãi suất ngắn hạn USD (Mỹ) khoảng 5,5%, lãi suất của mình thì khoảng 3,5%. Lãi suất dài hạn của Mỹ khoảng 4,5%, trong đó Việt Nam lại thấp hơn hai trăm điểm, chỉ 2,5% - chưa bao giờ xảy ra.
Năm 2024, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD (Mỹ) và đồng VNĐ vẫn tiếp tục diễn ra, tôi tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục giữ vững lãi suất thấp hiện nay. Cũng có thể lãi suất đồng USD vẫn cao, và không loại trừ khả năng “sẽ lên cao nữa thay vì giảm như mọi người nghĩ” vì lạm phát vẫn đang là vấn đề lớn – còn quá sớm để nói việc giảm được lạm phát. Theo đó, dòng vốn nước ngoài dự báo vẫn bán ròng trên thị trường niêm yết vì câu chuyện chênh lệch lãi suất.
Nhưng tôi cũng tin rằng, lòng tin vào thị trường đã tốt hơn, nên nếu có bán ròng thì bán ròng nhẹ hơn. Riêng thị trường PE thì dòng vốn chảy vào mạnh mẽ, các DN nước ngoài vẫn tìm mua DN tốt, quản trị tốt tại Việt Nam dù chưa niêm yết.
Đa số trên thị trường đều cho rằng, phải vận hành được hệ thống KRX thì mới có thể tiến hành các bước tiếp theo để nâng hạng thị trường, có phải vậy hay không, thưa ông?
KRX liên quan đến CCP (hệ thống bù trừ đối tác trung tâm cho cổ phiếu), hệ thống thông tin, hệ thống khớp lệnh. Theo đó, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào hệ thống KRX mà chủ yếu nằm ở quy trình thanh toán.
Đối với thị trường trái phiếu năm nay có tốt hơn, sôi động hơn?
Trái phiếu phải nói 2 loại là trái phiếu Chính Phủ và tương đương Chính Phủ (là trái phiếu ngân hàng), tôi nghĩ thị trường này vẫn tốt. TPCP tốt ở điểm mua bán thoải mái, không bị hạn chế, lãi suất thì thấp và tôi nghĩ lãi suất xuống thấp hơn nữa thì khó. Tôi cho rằng, TPCP, hay trái phiếu của các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank…vẫn rất tốt, là kênh đầu tư dài hạn cho nhà đầu tư nếu họ thấy lãi suất tiết kiệm quá thấp.
Riêng với TPDN thì cần chú ý thời điểm cuối năm, khi các quy định hiện hành về gia hạn thanh toán trái phiếu đến hạn sẽ hết hạn, sẽ có lượng lớn trái phiếu. Nhưng tôi cũng tin, thị trường hiện nay có thể hấp thụ được. Các nhà phát hành, các cơ quan quản lý vẫn đang có sự thận trọng đối với vấn đề phát hành, còn vấn đề quản lý thì vẫn nằm trong kiểm soát của NHNN, Bộ Tài chính, và vẫn nằm trong định hướng của các cơ quan Chính Phủ.
Dòng vốn PE ưa thích các DN, lĩnh vực ngành nghề như thế nào, HSC có thắng được nhiều deal tư vấn không?
Năm 2023, thị trường vốn tư nhân (PE) thì HSC có tư vấn một số deal, tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu) trong lĩnh vực y tế, tài chính tiêu dùng, sản xuất và bất động sản công nghiệp (đang mở rộng rất mạnh) và các dịch vụ đi kèm khi mức sống người dân tăng lên.
Năm 2024, hi vọng tiếp tục hoàn tất các deal này và có thêm các thương vụ khác. Thị trường niêm yết có thể chưa có nhiều cái để làm, nhưng thị trường PE thì nhiều hơn, trong khi các dòng vốn lớn trên thị trường quốc tế (là các quỹ lớn quản lý tổng tài sản khoảng 100 tỷ USD) cũng quan tâm và vào Việt Nam nhiều hơn. Họ vào và bắt đầu quen với thị trường Việt Nam, thông qua các nhà tư vấn Việt Nam như HSC -giúp họ hiệu quả hơn trong việc nhìn vấn đề nằm chỗ nào. Dòng vốn này mênh mông và khi thị trường nâng hạng được thì sẽ càng thu hút dòng vốn này hơn nữa.
Với HSC năm 2024 sẽ ra sao khi tăng được vốn?
Năm 2023, HSC lãi trước thuế 850 tỷ đồng, chưa xuất sắc lắm nhưng thể hiện là chúng tôi đã phòng thủ thành công. Năm 2024, chúng tôi chuyển thế sang tấn công nhiều hơn (vừa công vừa thủ), dự kiến lợi nhuận trước thuế trình ĐHCĐ tăng 70%, nhờ vào các công việc, nền tảng mà HSC đã làm các năm trước thì năm nay hiện thực hóa, ra kết quả. HSC cũng có thay đổi về cách chăm sóc khách hàng, và đặt vẫn đặt trọng tâm vào chất lượng dịch vụ - tư vấn đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng tổ chức nước ngoài.
Với thị trường trái phiếu, tạm xem qua đợt “sóng đầu” của thị trường trái phiếu mình vẫn đang “sống sót” thì đợt này sẽ mở rộng hơn ở thị trường trái phiếu, đây là thị trường tiềm năng. HSC sẽ chỉ tập trung vào những thế mạnh của mình.
Xem thêm tại cafef.vn