Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Chào bán riêng lẻ phải đúng người đúng thời điểm

hop ssi

Ông Nguyễn Duy Hưng trả lời cổ đông. Nguồn: SSI

Kế hoạch lãi tăng 19%

Chiều ngày 25/4, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã: SSI) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên. Ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc chia sẻ năm 2024 nền kinh tế được kỳ vọng tiếp tục phục hồi. Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, GDP được dự báo tăng trưởng ở mức 6 – 6,5% với động lực chính là đầu tư công và sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong năm 2024. Động lực gồm tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết phục hồi; lãi suất thấp thúc đẩy điều hướng dòng tiền vào TTCK; hệ thống KRX và được nâng hạng thu hút dòng vốn, giúp thị trường phát triển về chất. Bộ phận phân tích của SSI dự báo VN-Index đạt 1.300 điểm với thanh khoản 18.000 – 20.000 tỷ đồng.

Dựa trên cơ sở dự báo, lãnh đạo SSI trình kế hoạch doanh thu 8.112 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2023. Riêng quý I, công ty ước đạt 2.022 tỷ đồng doanh thu và 942,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Năm 2023, công ty ghi nhận 7.281 tỷ đồng doanh thu và 2.293 tỷ đồng lãi ròng. HĐQT trình chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% mệnh giá, tương đương mức chi trả 1.511 tỷ đồng.

Tăng vốn lên 20.600 tỷ đồng

Công ty có các kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ năm 2023 thông qua như chào bán riêng lẻ tối đa 104 triệu cổ phiếu, ESOP 2023 tối đa 10 triệu cổ phiếu, chào bán và phát hành tăng vốn từ vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu 453,3 triệu cổ phiếu.

Trong đó, ESOP 2023 vừa được hoàn thành vào tháng 4 vừa qua, công ty trình tiếp tục thực hiện chào bán riêng lẻ, chào bán và phát hành tăng vốn từ vốn chủ sở hữu cho cổ đông. Ngoài ra, công ty cũng phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP cho năm 2024, giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu phát hành lên đến 567,3 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên hơn 20.600 tỷ đồng, duy trì vị thế dẫn đầu toàn ngành.

Với phương án chào bán cho cổ đông và phát hành từ vốn chủ sở hữu, lãnh đạo SSI cho biết đã nộp hồ sơ lên UBCK chờ phê duyệt. Cụ thể, công ty sẽ phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng, theo tỷ lệ 100:20 và chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 15.000 đồng/cp theo tỷ lệ 100:10. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.

Với phương án phát hành riêng lẻ, dù kế hoạch đưa ra từ nhiều năm nay nhưng công ty chưa triển khai và vẫn tiếp tục theo đuổi.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phiếu ESOP được chuyển nhượng 50% sau 2 năm và 50% còn lại sau 3 năm.

Thảo luận

Mục tiêu nâng quy mô margin lên 20.000 tỷ đồng vào cuối năm

Chiến lược tự doanh của SSI?

Đại diện SSI: Tự doanh đóng góp 60% tổng lợi nhuận của SSI. Mảng tự doanh của công ty bao gồm kinh doanh nguồn vốn, kinh doanh cổ phiếu và kinh doanh phái sinh. Trong 3 mảng này, kinh doanh nguồn vốn đóng góp 45% lợi nhuận, phái sinh và cổ phiếu chiếm 15%.

Kế hoạch lợi nhuận 2024 của công ty đến từ đâu?

Đại diện SSI: Công ty có 4 khối kinh doanh chính gồm bán lẻ, đầu tư nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng đầu tư và khối bán buôn. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chung năm nay là 19% nên các mảng kinh doanh đều phải tăng ở mức tương đương.

Kế hoạch cho vay margin của công ty thế nào?

Đại diện SSI: Trong vòng 2 năm tới, công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng đối tượng khách hàng dùng đòn bẩy. Mục tiêu cuối năm nay lên mức 20.000 tỷ đồng so với mức bình quân hiện nay 17.000 tỷ đồng. Công ty cũng cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động vay margin của khách hàng an toàn nhất.

Các công ty chứng khoán cạnh tranh bằng chiến lược zero fee và giảm lãi margin, SSI có tham gia?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI: Tùy theo tình hình thị trường, SSI có bước đi phù hợp để đảm bảo lợi nhuận cũng như đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Thị phần SSI giảm và có giải pháp gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: Không chỉ SSI mà các công ty truyền thống đều giảm thị phần. Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện nhưng vấn đề không phải ngày 1 ngày 2. Tăng thị phần là một mục tiêu quan trọng nhưng không phải tất cả, công ty phải cân đối các yếu tố khác về hiệu quả, lợi ích cổ đông…

Mục tiêu duy nhất của SSI là công ty phát triển bền vững và hiệu quả.

Chưa chốt đối tác phát hành riêng lẻ

SSI đã đáp ứng với yêu cầu khi KRX vận hành chưa?

Đại diện SSI: Hiện nay, SSI đáp ứng các đợt test với các sở và VSD. Ngày 30/4 là ngày test đợt cuối, SSI tự tin đáp ứng.

Hệ thống KRX khi đi vào vận hành sẽ không có nhiều thay đổi so với hệ thống cũ lúc ban đầu. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần để phát triển các sản phẩm như giao dịch trong ngày, bán khống, quyền chọn bán, chọn mua... Khi KRX vận hành sẽ thay đổi bộ mặt của TTCK Việt Nam.

SSI chuẩn bị thế nào cho vấn đề thay đổi tỷ lệ ký quỹ 100% của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sắp tới?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: SSI là đơn vị đưa ra ý tưởng giải quyết điểm vướng ký quỹ trong quá trình nâng hạng, tức nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ 100% khi giao dịch và trao quyền cho CTCK xác định tỷ lệ. SSI khi đưa ra ý tưởng thì phải chuẩn bị đủ nguồn lực cho đáp ứng tiêu chuẩn.

Chia sẻ về phương án phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI: Không vội được do ngoài giá thì phải cân nhắc giá trị đối tác mời đến mang lại như thế nào. Việc này phải đúng người đúng thời điểm. Công ty vẫn tiếp tục theo đuổi, đến khi nào có sẽ chốt và trình cổ đông.

Sau sự cố VNDirect thì SSI có chuẩn bị gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: SSI quan tâm bảo mật đến mức độ nhiều nhà đầu tư, thậm chí cán bộ công nhân viên cảm giác quan tâm quá mức, quá nhiều khóa, mật mã…

Đại diện SSI: Việc đầu tư vào an toàn thông tin, an toàn hệ thống là ưu tiên hàng đầu của SSI. Công ty tập trung nhiều vào giải pháp để phát hiện sự xâm nhập kịp thời và xử lý nhanh nhất, luôn cập nhập đổi mới phương pháp harker tấn công vào hệ thống. Ngoài ra, công ty cũng tính đến tình huống xấu xảy ra thì back up ra sao, tiên liệu một số trường hợp xấu diễn ra để có giải pháp xử lý.

SSI có kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo trong đầu tư không?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: Thị trường chứng khoán có vai trò là kênh dẫn vốn, làm sao để người có tiền tìm đến cơ hội đầu tư. Công ty có tất cả sản phẩm kèm theo, bao gồm trí tuệ nhân tạo hay trí tuệ con người. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần còn mục tiêu chính của thị trường chứng khoán là dẫn vốn, hướng tới đưa người có vốn tìm đến cơ hội đầu tư.

Tôi khẳng định không có một ai có thể đưa ra một danh mục chắc chắn thắng, mọi người cứ copy là chắc chắn thắng. Nếu mọi người đổ xô mua theo 1 danh mục thắng thì đến lúc đổ xô bán lại thua. Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền mà chỉ phát hiện ra các giá trị để khi giao dịch sẽ nâng lên hoặc giảm đi theo diễn biến thực tế.

Rủi ro lớn nhất với TTCK nói chung là gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: Rủi ro lớn nhất của bất cứ thị trường nào chính là lòng tin nhà đầu tư. Rất may là nhà đầu tư vẫn đang rất tin tưởng vào nền kinh tế, vào TTCK, thanh khoản thị trường vẫn tăng.

Đại hội kết thúc với cổ đông thông qua tất cả tờ trình.

Xem thêm tại nhadautu.vn