Chứng khoán Phú Hưng đặt mục tiêu lãi 2023 gần gấp đôi

Ngày 30/12/2022, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) công bố kế hoạch kinh doanh cùng một số nhận định về thị trường trong năm 2023.

Chứng khoán Phú Hưng đặt mục tiêu lãi 2023 gần gấp đôi

Ngày 30/12/2022, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) công bố kế hoạch kinh doanh cùng một số nhận định về thị trường trong năm 2023.

PHS cho biết 2022 là năm tương đối nhiều biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, với những ảnh hưởng tiêu cực khiến thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Trên cơ sở chủ động đánh giá năng lực phát triển và điều kiện khách quan của thị trường, PHS đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 788 tỷ đồng, tổng chi phí 643 tỷ đồng; từ đó, dự kiến mang về 145 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và khoảng 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - gần gấp 2 lần kết quả ước đạt năm 2022 (gần 61.3 tỷ đồng).

Dự toán tình hình tài chính của PHS

Nguồn: PHS

Về mảng môi giới, PHS cho biết thị phần giao dịch cổ phiếu của Công ty thời điểm cuối tháng 09/2022 đạt 1.25%, cao hơn 12% so với cuối năm 2021, cùng sự tăng trưởng ấn khi doanh thu môi giới 9 tháng đạt 151 tỷ đồng và thu nhập lãi từ các khoản cho vay đạt 232 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 59% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, PHS đặt kế hoạch doanh thu môi giới và doanh thu cho vay ký quỹ lần lượt là 308 tỷ đồng và 327 tỷ đồng, thị phần môi giới cổ phiếu mục tiêu là 1.717%.

Với mảng tư vấn và bảo lãnh phát hành, PHS đặt kế hoạch kết nối với các công ty cổ phần, công ty đại chúng và công ty niêm yết trong năm 2023 để đáp ứng thêm nhiều khách hàng có nhu cầu tư vấn. Kế hoạch tăng nhân sự khối tư vấn cũng sẽ hoãn lại và thực hiện trong năm 2023 khi tình hình thị trường chứng khoán khả quan hơn và thay vào đó, khách hàng có nhu cầu tư vấn tài chính doanh nghiệp tăng lên. Các dịch vụ tư vấn tập trung tư vấn cho khách hàng là tái cấu trúc, phát hành cổ phiếu, niêm yết và từ chối phát hành trái phiếu rủi ro.

Đối với mảng tự doanh, trước áp lực bán tháo lan rộng vì những biến động ảnh hưởng đến thị trường, khối tự doanh của PHS đã điều chỉnh danh mục về mức an toàn để giảm bớt rủi ro. Nhờ đó, mức giảm danh mục của PHS thấp hơn nhiều so với VN-Index. Tính đến ngày 29/11/2022, danh mục tự doanh ghi nhận mức lỗ 12%, trong khi VN-Index giảm hơn 31%.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà hồi phục với mục tiêu tăng trưởng 6.5% như Quốc hội đề ra, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu năm tới. Đặc biệt, gần đây, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính. PHS kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sau đợt giảm sâu trong năm 2022 sẽ có dấu hiệu phục hồi vào năm 2023, đồng thời cho rằng sẽ tìm kiếm được các cơ hội đầu tư có giá trị hơn, cũng như hiệu suất đầu tư vượt trội hơn trong năm 2023.

Về chứng quyền, PHS dự tính phát triển sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW), với tổng giá trị chào bán dự kiến 200 tỷ đồng.

Còn về mảng quản trị rủi ro, PHS cho rằng lượng khách hàng mảng phái sinh còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2023. Các rủi ro chính được xác định bao gồm: Rủi ro thị trường, đòn bẩy vốn, sức ép yêu cầu ký quỹ, pháp lý, thanh khoản và rủi ro hệ thống.

Nhằm đảm bảo cho việc quản trị, khối phân tích của PHS sẽ hoạt động mạnh hơn để có các phân tích nâng cao về các công ty niêm yết đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, qua đó danh sách giao dịch ký quỹ đa dạng hơn với tỷ lệ cho vay khác nhau nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn và hiệu quả, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hồng Đức

FILI