Cổ phiếu thép, bất động sản dậy sóng, VN-Index hồi phục phiên thứ 2
Tiếp nối đà tăng phiên trước, VN-Index mở cửa với diễn biến khá tích cực khi sắc xanh gần như bao trùm thị trường. Đà tăng được củng cố hơn vào phiên chiều và giúp VN-Index lên mức cao nhất ngày. Kết phiên, VN-Index tăng 13,29 điểm (tương đương 1,09%) đạt mức 1.237 điểm.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 24.945,7 tỷ đồng, tăng 9,87% so với phiên trước, trên mức trung bình. Thanh khoản cũng ghi nhận cải thiện hơn so với phiên hôm qua, điều này cho thấy áp lực bán là không đáng kể dù thị trường đón nhận lượng lớn cổ phiếu bắt đáy về tài khoản và lực mua chủ động tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng có diễn biến tích cực khi có sự luân chuyển và lan toả giữa các nhóm ngành, độ rộng thị trường cũng được cải thiện tốt hơn.
Nhóm VN30 tăng 14,6 điểm (+1,18%), đóng cửa tại 1.247,91 điểm. Trong nhóm, có đến 21 mã giữ được sắc xanh, đó là HPG (+5,4%), SSI (+2,3%), VHM (+2%), VCB (+1,8%), TCB (+1,8%)… Ngược lại, chỉ có 4 mã giảm giá, đó là BID (-1,1%), VJC (-1%), SAB (-0,5%), FPT (-0,1%).
Với diễn biến tăng điểm khá tích cực của thị trường, nhiều nhóm cổ phiếu vẫn giữ sắc xanh, đồng thời số lượng cổ phiếu tăng giá gia tăng đáng kể so với phiên trước. Nổi bật là diễn biến tăng mạnh của nhóm thép, nhóm này góp phần tạo động lực tăng điểm cho thị trường. Trọng tâm HPG là lực đỡ chính, khi các mã còn lại như HSG, NKG, TLH, SMC, POM thu hẹp đà tăng, chỉ nhích trên dưới 2% khi kết phiên. Theo đó, HPG trở lại sát ngưỡng cao nhất ngày, đóng cửa +5,4% lên 30.350 đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022, khớp lệnh đạt tới hơn 86,8 triệu đơn vị, cũng là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022.
Cổ phiếu này cũng là nhân tố đóng góp lớn nhất cho VN-Index với hơn 2,3 điểm tích cực. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán, bất động sản, hóa chất, dầu khí… cũng có diễn biến khá sôi động.
Các cổ phiếu bất động sản sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh, có diễn biến kém tích cực cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay, nhiều mã vượt đỉnh gần nhất với thanh khoản gia tăng tích cực, nổi bật như IJC (+6,67%), NTL (+5,92%), CCL (+4,21%), CEO (+4,21%), PXL (+3,76%)...
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp duy trì xu hướng tăng giá tích cực, nhiều mã hướng đến vùng đỉnh lịch sử năm 2022 như SZC (+4,90%), TIP (+3,85%), IDC (+2,97%), VGC (+2,23%)... Nhóm các cổ phiếu nhóm xuất khẩu tiếp tục diễn biến rất tích cực như hóa chất DGC (+4,30%), săm lốp DRC (+2,01%), thủy sản ANV (+3,92%), VHC (+2,32%)...
Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 43 tỷ đồng, tập trung mua ròng ở các mã như HPG (+452 tỷ đồng), SSI (+131 tỷ đồng), DGC (+89 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, tập trung bán ròng ở các mã như STB (-87 tỷ đồng), VPB (-72 tỷ đồng), PVD (-64 tỷ đồng)…
Dưới góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn đang được duy trì với ngưỡng mục tiêu kế tiếp được xác định tại 1250 điểm. Tuy nhiên, VN-Index đang tiệm cận vùng giá này, vì vậy kịch bản rung lắc vẫn có khả năng tiếp diễn ở những phiên giao dịch tới khi lượng cung hiện còn rất lớn.
Đối với các cổ phiếu đang có trong danh mục vẫn có thể duy trì khi xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm. Bên cạnh đó, việc kết hợp tái cấu trúc và chủ động chặn ngưỡng cắt lỗ đối với danh mục cũng là hành động nên được kết hợp để tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro cũng như tối ưu hiệu suất đầu tư ngắn hạn. Còn các vị thế mua chỉ nên canh mua trong các nhịp điều chỉnh thay vì FOMO mua đuổi trong những phiên tăng, đặc biệt chú ý tại nhóm thu hút được dòng tiền, duy trì xu thế tăng, tạo nền giá chặt chẽ và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Xem thêm tại baodautu.vn