Doanh nghiệp nhà nước khởi sắc

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tính chung quý 1/2024 trừ chỉ tiêu sản xuất điện, các chỉ tiêu sản xuất khác của Tập đoàn cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch được giao từ 3,8-20,7%. Trong đó, các chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 là sản xuất urea tăng 3,2%; sản xuất điện tăng 17,5%; sản xuất xăng dầu bao gồm của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tăng 9,8%; sản xuất NPK tăng 9,8%. Về tài chính, tất cả chỉ tiêu tài chính quý 1/2024 đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Có 10 đơn vị trong Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch về doanh thu.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, về tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính của các công ty mẹ trong quý 1/2024, doanh thu ước đạt gần 288.497 tỷ đồng, bằng 24,24% kế hoạch năm và bằng 109,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 8.936 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch năm và bằng 226,52% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 18.586 tỷ đồng, bằng 30,58% kế hoạch năm và bằng 93,32% so với cùng kỳ.

Về số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban, doanh thu ước đạt hơn 507.606 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm và bằng 110,81% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 22.715 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm và bằng 183,57% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 39.712 tỷ đồng, bằng 34,66% kế hoạch năm và bằng 122% so với cùng kỳ. Giá trị thực hiện đầu tư ước đạt hơn 43.625 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch năm và bằng 110,66% so với cùng kỳ.

Với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong quý 1/2024, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 40.432 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch năm, bằng 101,5% so với cùng kỳ. TKV đã sản xuất 2,46 tỷ kWh điện, bằng 111% so với cùng kỳ. Nhờ thế, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch điều hành, giúp TKV nộp ngân sách nhà nước khoảng 6.280 tỷ đồng trong quý 1/2024.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao về sản xuất, thị trường, đầu tư… Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất hóa chất, phân bón đẩy mạnh sản xuất, góp phần bảo đảm cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế; các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất…

Chẳng hạn, sản lượng gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) trong quý 1/2024 ước đạt 436.202 tấn gạo, bằng 30,36% kế hoạch năm và bằng 125,93% so với cùng kỳ. Sản lượng gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) trong quý 1/2024 ước đạt 264.000 tấn quy gạo, bằng 28,21% kế hoạch năm và bằng 113,04% so với cùng kỳ...

Sản lượng xăng dầu hợp nhất trong quý 1/2024 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước đạt 3,86 triệu m3/tấn, bằng 29,63% kế hoạch năm và bằng 110,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Petrolimex và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã về đích trong việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch hoá nền kinh tế, tăng thu ngân sách cũng như mang lại lợi ích với các đối tượng nộp thuế.

Nói về nguyên nhân giúp các mục tiêu kinh doanh đạt cao, đại diện lãnh đạo Petrovietnam nêu rõ, từ những ngày đầu năm, Petrovietnam đã tập trung bám sát các mục tiêu quản trị, quyết liệt chỉ đạo các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tận dụng, khai thác tối đa các động lực, cơ hội, dư địa tăng trưởng, nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh quý 1/2024.

Cùng với sản xuất kinh doanh, công tác cơ cấu lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng có nhiều tiến triển. Hiện các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu đã và đang xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến năm 2025. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty tập trung nguồn lực vào việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành; cơ cấu lại các đơn vị thành viên, sản phẩm, thị trường, kế hoạch đầu tư, nguồn nhân lực; tăng cường đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp; kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Hơn nữa, công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương cũng đang được thực hiện tích cực. Trong buổi làm việc với Ủy ban hồi cuối tháng 3/2024, đại diện Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết, hiện nhóm chuyên gia của Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) và TISCO đã cùng nhau nghiên cứu, khảo sát tại hiện trường Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) và xây dựng phương án kiểm đếm, xác định thực trạng máy móc, trang thiết bị đã tập kết tại hiện trường và các công trình xây dựng trong khuôn khổ Dự án TISCO 2. Những công việc này được thực hiện chính xác và triệt để được nhận định là tiền đề quan trọng để xây dựng phương án xử lý hợp lý cho Dự án TISCO 2.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn