FPT mua 100% vốn của doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản
Theo đại diện FPT, thương vụ này là bước đi phù hợp với chiến lược mở rộng toàn cầu và cho phép FPT tận dụng nguồn nhân lực của NAC trong các mảng tư vấn chiến lược, thiết kế cấu trúc, quy hoạch hệ thống công nghệ, thiết kế, phát triển và vận hành.
Doanh nghiệp Nhật Bản mà FPT vừa "thâu tóm" sở hữu đội ngũ gần 300 kỹ sư chất lượng cao, nhiều người thuộc top 40 thế giới về Salesforce, CRM…
"Bổ sung nguồn lực từ thương vụ này giúp FPT đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời tiến gần tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027 và có hơn một nửa số nhân viên tại đây là người nước ngoài. Thương vụ này cũng góp phần giúp Tập đoàn thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng dịch vụ sang các lĩnh vực mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng", đại diện FPT nói.
Từ năm 2014 đến nay, FPT đã hoàn tất nhiều thương vụ M&A ở Mỹ và châu Âu. Tại Nhật, con số này khá ít ỏi do đặc thù thị trường có nhiều khó khăn. Vì vậy, thành công trong thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật đã thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của FPT với thị trường trọng điểm này, và tạo ra bước đà để tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
Tháng 10 năm ngoái, FPT công bố trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ. Đến tháng 12, FPT công bố mua Cardinal Peak, công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ. Trước đó, vào năm 2018, FPT mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.
Đại diện FPT cho biết các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài, top 50 công ty công nghệ toàn cầu năm 2030.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2023, FPT hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại đại hội đồng cổ đông. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước.
Năm trước đó (2022), doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 44.010 tỷ đồng và 7.662 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 20,9% so với năm 2021, vượt kế hoạch đã đề ra.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn