HAGL chi gần 10.000 tỷ đồng trả lãi vay sau 9 năm, chờ 'deal' xóa lãi từ một ngân hàng

Tiếp tục câu chuyện liên quan đến CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã HAG), đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp nhà Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức chỉ còn 14.137 tỷ đồng - giảm khoảng 22.000 tỷ đồng so với mức kỷ lục năm 2016.

Trong cơ cấu nợ phải trả, dư nợ vay tài chính còn hơn 7.800 tỷ đồng - giảm so với mức 28.000 tỷ cách đây hơn 7 năm.

Đi vào chi tiết, lấy mốc 2016 để so sánh, dư nợ vay dài hạn của HAGL đã giảm từ 21.444 tỷ đồng về dưới 3.400 tỷ.

Xét về cơ cấu nợ theo hình thức huy động, dư nợ trái phiếu đã giảm khoảng 10.000 tỷ về 4.250 tỷ đồng. BIDV hiện là chủ nợ duy nhất liên quan đến lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 có kỳ hạn 10 năm - đáo hạn năm 2026.

Đồng pha, dư nợ vay ngân hàng và vay khác của doanh nghiệp Phố Núi cũng giảm từ 11.800 tỷ đồng về dưới 2.400 tỷ. LPBank, TPBank và Sacombank là những chủ nợ còn ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của HAGL. Trong khi đó, bằng các biện pháp khác nhau, HAGL đã dứt điểm các khoản nợ vay tại BIDV, HDBank, VPBank, ACB, BVBank, BacABank, Ngân hàng TMCP Quốc Dân sau gần một thập kỷ tái cấu trúc.

Nợ vay lớn luôn gây ra áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp đang trong khủng hoảng kinh doanh. Trước khi báo lãi trở lại trong 3 năm gần nhất, các vấn đề tương tự cũng đã đeo bám doanh nghiệp nhà bầu Đức.

Ngoại trừ việc được xóa khoản lãi vay nghìn tỷ với Eximbank trong quý IV/2023 giúp công ty được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng cả năm, những năm trước đó, số tiền chi ra cho các khoản chi phí lãi vay của HAGL là rất lớn (thường chiếm từ 50-95% tổng chi phí tài chính).

Giai đoạn 2015-2017, chi phí lãi vay của HAGL tăng nhanh và đạt đỉnh 1.585 tỷ đồng (năm 2017). Gánh nặng chi phí khiến công ty báo lãi sau thuế giảm mạnh còn hơn 600 tỷ đồng năm 2015, 372 tỷ đồng năm 2017 cùng khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng của năm 2016.

Sau giai đoạn này, nợ vay của đại gia Phố Núi bắt đầu giảm dần. Đây là kết quả của các động thái cơ cấu nợ như: Rút khỏi lĩnh vực bất động sản, thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần... nhằm tái cấu trúc.

Năm 2019, cùng với việc giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico (Mã HNG) về dưới 50%, nợ vay tài chính của HAGL giảm mạnh còn 14.700 tỷ đồng.

HAGL chi gần 10.000 tỷ đồng trả lãi vay sau 9 năm, đang chờ 'deal' xóa lãi từ BIDV

Lũy kế 9 năm trở lại đây, doanh nghiệp nhà bầu Đức đã chi gần 9.800 tỷ đồng trả các khoản lãi vay. Con số này gấp hơn 3,2 lần tổng lợi nhuận thu về trong 3 năm gần nhất (3.022 tỷ đồng) và gấp 4,9 lần số tiền hơn 2.000 tỷ đồng đã được ông Đoàn Nguyên Đức chi cho CLB bóng đá HAGL sau 23 năm.

Sau thương vụ được xóa lãi nghìn tỷ từ ngân hàng Eximbank trong năm 2023, HAGL đang kỳ vọng về một thương vụ tương tự với ngân hàng BIDV.

Được biết, doanh nghiệp Phố Núi hiện không còn dư nợ vay ngân hàng với BIDV. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn là chủ nợ lớn nhất của HAGL liên quan đến lô trái phiếu còn 4.250 tỷ đồng dư nợ gốc.

Tại cuộc gặp gỡ cổ đông hồi tháng 8/2023, ông Đức từng cho biết, BIDV đã đồng ý việc HAGL tập trung thanh toán các khoản nợ gốc, khoản lãi sẽ được đàm phán sau. "Giữa HAGL và BIDV có thỏa thuận riêng, từ rất lâu rồi", Chủ tịch HAGL tiết lộ.

Như vậy, chỉ cần đạt được một thỏa thuận xóa lãi - tương tự như cách HAGL đã làm với Eximbank, công ty có thể ghi nhận khoản lợi nhuận "khứ hồi" tương ứng. Xóa lãi vay có thể trở thành “vũ khí” mới giúp HAGL có được những khoản lợi nhuận đột biến trong tương lai.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn