Hàng loạt ngân hàng 'rủ nhau' giảm lãi suất tiết kiệm xuống dưới mức 6%/năm

Tại nhóm Big 4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm. Vietcombank giảm lãi suất 0,2%/năm và 0,1%/năm tương ứng với kỳ hạn 6 và 12 tháng, trong khi đó Agribank thực hiện giảm lãi suất 0,5%/năm, 0,6%/năm và 0,2%/năm cho các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng.

Theo bảng so sánh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng tại Việt Nam năm 2023 và đầu năm 2024, Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 và 6 tháng thấp nhất hệ thống.

-8187-1709539356.jpg

Bảng so sánh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng tại Việt Nam năm 2023 và đầu năm 2024.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm lãi suất lần lượt 0,4%/năm và 0,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng và đều giảm 0,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm. Trong đó, mức giảm lớn nhất là ở kỳ hạn 3 và 6 tháng, giảm xuống lần lượt là 3%/năm và 4,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%/năm, xuống còn 4,8%/năm, và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,1%/năm, xuống còn 5,5%/năm.

Với Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất tiết kiệm cũng giảm từ 0,1-0,2%/năm tùy theo kỳ hạn. Kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 3,6%/năm, trong khi kỳ hạn 12 và 24 tháng giảm xuống lần lượt là 5,1%/năm và 5,6%/năm.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất với mức giảm 0,2%/năm. Lãi suất mới nhất được niêm yết cho các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng là từ 2,95%/năm đến 5%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) ở kỳ hạn 3 tháng có mức lãi suất cao nhất với 3,7%/năm. Và ở kỳ hạn 6 và 12 tháng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) dẫn đầu với 4,7%/năm và 5,08%/năm tính đến hiện tại.

-1693-1709539356.jpg

HDBank đã thực hiện việc giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn.

Trước đó, thị trường đã chứng kiến mức giảm lãi suất của hơn 23 ngân hàng. Đáng chú ý, không chỉ một lần, mà một số ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất huy động 2-3 lần, thậm chí lên đến 4 lần. Trải qua một tuần với sự dồn dập, trước đó ngày 29/2, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã thực hiện việc giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, giảm chung 0,2 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên trong tháng 2, HDBank thực hiện việc giảm lãi suất, nhưng đã là lần thứ tư kể từ đầu năm 2024. Bảng lãi suất mới nhất của HDBank cho thấy, lãi suất cho các kỳ hạn 3 và 6 tháng lần lượt chỉ còn 2,45%/năm và 4,5%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng giảm xuống còn 4,7%/năm giảm 1% so với cùng kỳ năm trước…

Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia nhấn mạnh rằng lãi suất tiền gửi sẽ gặp khó khăn trong việc giảm mạnh hơn. Với việc duy trì mức lãi suất điều hành ổn định, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay sẽ được duy trì ở mức hợp lý, mang lại sự an tâm cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời đóng góp vào việc hồi phục và phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ là một phần của giải pháp cần thiết. Để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải tập trung vào việc cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và kích thích các yếu tố tăng trưởng và tiêu dùng. Đồng thời, sự minh bạch trong tài chính của các doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để tăng cơ hội tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Minh Phong

Xem thêm tại vnbusiness.vn