Hơn 100.000 tỷ "tiền tươi" đang chờ mua ở công ty chứng khoán, ngang thời Vn-Index 1.500 điểm

Thống kê mới nhất của VnEconomy từ hơn 70 công ty chứng khoán trên thị trường cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2024, số dư tiền gửi khách hàng đạt hơn 100.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. So với con số cuối năm 2023, số dư tiền gửi đã tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Như vậy, đây là quý 4 liên tiếp số dư tiền gửi nhà đầu tư tại công ty chứng khoán tăng so với quý trước đồng thời là mức cao nhất chưa từng có.

Với hơn 100.000 tỷ đồng, số dư tiền gửi tương đương với giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index đạt đỉnh 1.528 điểm vào tháng 1/2022. Ở giai đoạn này, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán liên tiếp duy trì trên mốc 90.000 tỷ đồng và kỷ lục 100.000 tỷ đồng, ngay sau đó lượng tiền đổ bộ vào thị trường đưa thanh khoản lên cao kỷ lục hơn 2 tỷ USD, VN-Index hai lần cán mốc 1.528 điểm trong quý 1/2022. 

VPS vẫn là công ty chứng khoán ghi nhận số dư tiền gửi nhà đầu tư khách hàng cao nhất 25.155 tỷ đồng tăng mạnh gần 9.000 tỷ so với đầu năm. Tiếp theo là SSI với 8.175 tỷ đồng tăng gần 3.000 tỷ; TCBS tăng 3.400 tỷ từ đầu năm lên 5.774 tỷ đồng; tương tự MAS cũng tăng 1.200 tỷ so với con số đầu năm; VCBS tăng gần 1.000 tỷ.

Trong khi đó, chứng khoán VnDirect ngược dòng giảm từ 6.366 tỷ đồng từ đầu năm xuống còn 5.784 tỷ đồng. Hiện này bất thường tại VnDirect có thể được diễn giải chủ yếu do hệ thống công ty chứng khoán này bị tấn công bất ngờ trong giai đoạn cuối tháng 3. Sự cố kéo dài gần 2 tuần ảnh hưởng đến giao dịch, quyền lợi của nhà đầu tư, dẫn đến khả năng cao một lượng tiền đã được rút ra để chuyển sang các công ty chứng khoán khác trên thị trường.

Hơn 100.000 tỷ "tiền tươi" đang chờ mua ở công ty chứng khoán, ngang thời Vn-Index 1.500 điểm  - Ảnh 1

Số dư tiền gửi tăng mạnh trong quý 1/2024 diễn biến hợp lý với lượng tiền gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng giảm trong thời gian qua. Điều này có nghĩa là một lượng tiền lớn đã chảy từ ngân hàng sang kênh cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Tổng tiền gửi cuối tháng 3/2024 là 13,4 triệu tỷ, giảm 0,76 % so đầu năm gần 13,5 triệu tỷ. Trong số 500.000 tỷ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, ngoài vào chứng khoán, còn chuyển sang đầu tư vàng, bất động sản, tiền số...

Số dư tiền gửi tăng cũng đồng pha với lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng trưởng cao từ đầu năm tới nay. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 163.621 tài khoản trong tháng 3/2024.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 163.524 tài khoản con số này tăng 44,5% so với tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 đến nay trong khi đó nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 97 tài khoản. Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,6% dân số.

Giới chuyên môn nhận định, với áp lực lãi suất huy động được dự báo từ nay đến cuối năm tăng nhẹ 0,3-0,5% nhưng không phải đáng lo ngại với thị trường chứng khoán vì mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn còn rất rẻ.

Trong khi đó, định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital cho rằng, về định giá, P/E của 80 doanh nghiệp ở mức 11 lần và với tăng trưởng EPS được dự phóng từ 18-19%, thì định giá này tương đối hấp dẫn, nếu xét về mặt trung hạn, bỏ qua các biến động trong ngắn hạn.

Định giá P/B vẫn xung quanh 1 lần dung sai so với bình quân mười mấy năm. Với xác suất này, thị trường giảm 10-15-20% cực kỳ khó. Khi những cú hiệu chỉnh về giá xảy ra, thì nghĩ đến chuyện đầu tư bền vững trung và dài hạn, không phải lúc rời bỏ thị trường.

"Thị trường có thể chỉnh 10% nhưng chỉnh 15% thì nên có thái độ quyết liệt về đầu cơ. Các dự kiến nâng hạng nếu xảy ra thì cực kỳ tốt, còn nếu không xảy ra thì cũng đủ cho chúng ta thấy thị trường chứng khoán nếu có giảm là hấp dẫn để đầu tư", ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tin tích cực nhất hiện nay vẫn là định giá hấp dẫn vì thị trường chiết khấu nhiều rồi, cũng có đã có lượng lớn tiền thoát ra từ tháng 3-4 và giải ngân trở lại. "Bản chất năm nay dòng tiền không đứng ngoài cuộc chơi lâu mà phải sớm quay lại vì nhiều lý do như lãi suất giảm, bất động sản không đủ hấp dẫn để hút kênh đầu tư", ông Minh nhấn mạnh.

Xem thêm tại vneconomy.vn