Hôm nay (22/2), tiếp tục là phiên giao dịch không mấy dễ dàng của chứng khoán trong nước. Các mã trụ cột trong rổ VN30 tiếp tục suy yếu, thị trường chưa tìm được nhóm ngành đủ mạnh dẫn dắt. Chỉ số chính liên tục giằng co, không thắng được áp lực bán từ cả vốn nội, ngoại.
“Anh cả” Big4 (ngân hàng quốc doanh) - VCB khiến VN-Index mất nhiều điểm nhất, “rơi” gần 2,5 điểm. Sắc đỏ cũng chiếm áp đảo trong nhóm ngân hàng, HDB giảm mạnh nhất 2,6%. STB, OCB, MSB, EIB, VPB... đồng loạt giảm giá.
Ở chiều ngược lại, TCB giao dịch tích cực nhất, đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index, cùng với CTG, SHB, VIB lọt nhóm dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, 4 mã ngân hàng kể trên chỉ đem về hơn 1 điểm cho chỉ số chính, không đủ “cân” lại ảnh hưởng tiêu cực từ các cổ phiếu còn lại.
Nhóm ngân hàng tiếp tục giao dịch phân hóa. |
Trong nhóm ngân hàng, PGB (PG Bank, sàn UPCoM) ghi nhận mức tăng vượt trội hơn 6% trong ngày giao dịch không hưởng quyền chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 40%.
Nguồn vốn thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế (1.100 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (100 tỷ đồng) theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.
Nếu thành công, vốn điều lệ của PG Bank sẽ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc PG Bank tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phần nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là lần đầu tiên PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm và cũng là lần đầu tiên chia cổ tức/cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm, lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức trong năm 2012 với tỷ lệ 10,38% bằng tiền mặt.
Sau phiên hôm qua bị chốt lời mạnh, nhóm Vingroup hôm nay đã giao dịch cân bằng hơn. Sắc xanh trở lại với VIC, VRE, mức tăng trên dưới 1%. VHM giảm nhẹ 0,4%.
Trong bối cảnh cổ phiếu vốn hóa lớn bị chốt lời, dòng tiền có dấu hiệu chuyển sang các mã nhỏ, vừa để tìm kiếm lợi nhuận. Theo đó, FIT, LSS, HNG, YEG, ST8, TNT, PTL, DHM tăng kịch trần. Thị giá tăng hết biên độ nhưng đóng góp của các cổ phiếu này đến thị trường không đáng kể, chưa thể xoay chuyển tình thế, trước áp lực từ nhóm vốn hóa lớn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,73 điểm (0,22%) xuống 1.227,31 điểm. HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,07%) lên 234,01 điểm. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (0,04%) xuống 90,57 điểm. Thanh khoản sụt giảm, giá trị giao dịch HoSE giảm xuống còn 17.950 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, giá trị hơn 920 tỷ đồng, tập trung vào HPG, VPB, MSN, MWG...
Thêm tỷ phú Việt muốn nuôi bò, trồng chuối ở Lào
Bất chấp thị trường giằng co, HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) tăng kịch trần trong phiên 22/2, dù trước đó có nguy cơ bị hủy niêm yết. HNG tăng trần trong bối cảnh cổ đông doanh nghiệp vừa thông qua dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attpeu và tỉnh Sekong - Lào.
Thông qua việc lấy ý kiến bằng văn bản, cổ đông đã thông qua dự án đầu tư tại Lào, quy mô 27.384 ha đất với tổng vốn đầu tư hơn 18.090 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD. Trong đó, vốn tự có của HNG là 9.650 tỷ đồng và HNG, và vốn vay 8.440 tỷ đồng.HNG của tỷ phú Trần Bá Dương giữ vai trò nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào.
Dự án có mục tiêu trồng cây ăn trái (chuối, xoài, bưởi, sầu riêng), kết hợp chăn nuôi bò bán chăn thả, bò thịt vỗ béo; chế biến trái cây; sản xuất sợi; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Dự kiến hoàn thiện đầu tư từ năm 2024 đến năm 2028. Thời hạn hoạt động 50 năm.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM lưu ý HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty có kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ. Hiện HoSE đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của HNG vào ngày 30/1/2024 với khoản lỗ ròng 1.050 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2023 gần 8.054 tỷ đồng.