Lãi suất huy động duy trì 'đáy' đến khi nào?

Hàng loạt ngân hàng đua giảm lãi suất trước và sau Tết khiến mặt bằng lãi suất xuống thấp. Với mức lãi suất thông thường, không có ngân hàng nào trả lãi 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn khoảng 10 đơn vị duy trì mức lãi suất trên 5%/năm gồm SeABank, HDBank, CBBank, NamABank, BaoVietBank, VietBank, SHB, DongABank, VietABank, Oceanbank và NCB.

Mặt bằng lãi suất đã xuống rất thấp

Khảo sát của VnBusiness, sau Tết Nguyên đán, Techcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 5 tháng thêm 0,4 – 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lãi suất tại nhà băng này vẫn thuộc nhóm thấp nhất hiện nay.

Ngược lại, Dong A Bank giảm lãi suất huy động với mức giảm đồng loạt 0,4 điểm phần trăm lãi suất mọi kỳ hạn tiền gửi. Lãi suất tại các ngân hàng còn lại không thay đổi so với thời điểm trước Tết.

-2672-1708334479.jpg

Dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.

Có thể thấy, hiện chênh lệch lãi suất giữa nhóm ngân hàng tư nhân và quốc doanh được thu hẹp về rất thấp, chỉ khoảng 1-2%. Thậm chí, có nhiều nhà băng tư nhân như VIB, MSB, ABBank, Techcombank trả lãi suất thấp hơn nhóm quốc doanh.

Ở kỳ hạn dưới 6 tháng, đa phần các ngân hàng chỉ niêm yết quanh mức 3%. Thấp nhất là các ngân hàng trong nhóm Big4 (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) với lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ duy trì trong khoảng 2- 2,2%/năm.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang có mức lãi suất huy động rất thấp, như Vietcombank, Agribank chỉ 3%/năm; VietinBank và BIDV là 3,2%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân trả lãi cho khách hàng cao hơn, từ 3,55% - 4,7%/năm.

Techcombank áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng đối với khách hàng thường là 3,55 – 3,65%/năm tùy kỳ hạn gửi; khách hàng ưu tiên được hưởng lãi suất cao nhất là 3,8%/năm cho số tiền gửi từ 3 tỷ trở lên.

MB áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm; VPBank áp dụng mức lãi suất 4,2 – 4,6%/năm (tùy từng số tiền gửi) đối với tiết kiệm tại quầy và 4,4 – 4,7%/năm đối với tiền gửi online…

Đối với kỳ hạn 12 tháng, Vietcombank niêm yết chỉ 4,7%/năm, 3 ngân hàng còn lại trong Big 4 cùng ở mức 4,8%/năm.

Ở nhóm tư nhân, tại Techcombank, lãi suất cho kỳ hạn này là từ 4,65 – 4,9%/năm tùy từng khách hàng và lượng tiền gửi; MB: 4,7%/năm, VPBank: 5%/năm; LPBank: 5%/năm; HDBank: 5%/năm, Sacombank: 4,8 – 5% (tại quầy – trực tuyến); Eximbank: 4,8%/năm; SCB: 4,7%/năm.

Với các kỳ hạn dài hơn, từ 15-24 tháng trở lên, vẫn có hơn 20 nhà băng trả lãi suất 5-6% cho người gửi tiền nhằm khuyến khích dòng tiền dài hạn. Mức lãi suất cho kỳ hạn dài cao nhất hệ thống là 6,2% cho kỳ hạn 15 tháng tại HDBank.

Trong khi đó, giới siêu giàu vẫn hưởng lãi suất cao vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất toàn hệ thống vẫn đang thuộc về PVComBank. Ở kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, mức cao nhất mà PVComBank áp dụng là 10%/năm. Đây là các khoản tiền gửi tại quầy, có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Tương tự, HDBank cũng áp dụng lãi suất huy động 8,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng lãi cuối kỳ loại 1. Ngoài ra, tiền gửi 12 tháng lãi cuối kỳ loại 1 có mức lãi suất 7,80%. Cả hai khoản này đều yêu cầu giá trị tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

DongA Bank cũng có chính sách lãi suất cao vượt trội so với mặt bằng chung, mức cao nhất là 7,5%/năm áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng.

Lãi suất khó giảm thêm?

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là kênh đầu tư sinh lời bền vững dù lãi suất không còn hấp dẫn như đầu năm ngoái. Đặc biệt, ở thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi ổn định, đầu tư vào đâu cũng phải tính toán, thậm chí chấp nhận rủi ro cao như hiện tại, tiền gửi vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Trong bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.

TS. Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Fulbright cũng cho rằng hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất. Mặt bằng lãi suất năm 2024 duy trì như hiện nay là đã tích cực. Mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện nay đã vượt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm 2023.

Do đó, chuyên gia này dự báo khó hạ thêm lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm 2024. Lý do là không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, dự báo trong năm 2024, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng… Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.

Lãi suất huy động thấp chưa từng có là hệ quả của việc giới nhà băng "thừa tiền trong kho". Thanh khoản dồi dào là tốt nhưng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống bất chấp lãi suất giảm sâu, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh, cũng là điều đáng lo khi dòng tiền không luân chuyển vào sản xuất hay đầu tư. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa thể sớm khởi sắc, do đó mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2024.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho các nhà băng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, trong văn bản mới nhất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn