Lãnh đạo ngân hàng Big4 giải thích lí do tín dụng tăng trưởng chậm
Theo số liệu công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã có bước chững lại trong tháng đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Lý giải về tình trạng này, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, tín dụng chững lại xảy ra tại nhiều ngân hàng và toàn hệ thống do hai lý do cơ bản. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Thứ hai, do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, là do cầu tín dụng trong nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, với rủi ro nợ xấu tăng cao, cộng với việc Thông tư 02 sắp hết hiệu lực khiến các tổ chức tín dụng thận trọng hơn khi cho vay.
Lãnh đạo ngân hàng Big4 giải thích lí do tín dụng tăng trưởng chậm |
Về phía lãnh đạo các ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho rằng, tín dụng giảm trong những tháng đầu năm là do cầu tín dụng trong nền kinh tế thấp, thị trường bất động sản trầm lắng do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Ngoài ra, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến các doanh nghiệp ngại kinh doanh, dẫn đến không có nhu cầu vay vốn.
Còn ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng hiện nay là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.
Nói thêm về nguyên nhân khiến tín dụng giảm trong những tháng đầu năm, ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, các động lực tăng trưởng kinh tế như: Xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Để giải bài toán tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, chỉ mình sự nỗ lực của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Còn Phó Tổng Giám đốc VietinBank đề xuất các bộ, ngành và các địa phương cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng ông Nguyễn Thanh Tùng Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, sẽ tiếp tục chính sách lãi suất cho vay thấp so với thị trường, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rà soát các quy trình tín dụng, đơn giản hoá các quy trình cho vay… Đồng thời, tiếp tục tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, để các giải pháp của ngân hàng đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định, đồng thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án để các dự án nhanh chóng được triển khai.
>> NHNN đưa ra phương án điều hành tín dụng cho năm 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn