Những ngân hàng 'ngược chiều': Tăng lãi suất huy động, tranh thủ hút vốn rẻ

"Ngược chiều" tăng lãi suất

Lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dứt đà giảm. Nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động trong tháng 3 này.

Kể từ đầu tháng 3, có 23 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động. Trong đó, 4 nhà băng là BaoViet Bank, GPBank, BVBank và PGBank đã 2 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng.

Tính đến nửa sau của tháng 3, lãi suất tiết kiệm bình quân tại các kỳ hạn ghi nhận giảm từ 0,1-0,2 điểm % so với cuối tháng 2/2024. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay chưa đến 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn trên 12 tháng rất ít nhà băng áp dụng mức 5%/năm.

Tuy nhiên, giữa xu hướng giảm, đã có một vài nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Diễn biến này được cho là khá lạ trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác tiếp tục giảm lãi suất đầu vào.

Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ được điều chỉnh tăng từ ngày 22/3.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến của Eximbank, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng đồng loạt tăng 0,3 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng hiện có lãi suất 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng là 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm. Eximbank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại.

Trước đó, trong ngày 19/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) chính thức điều chỉnh lãi suất huy động. Đây mới là lần thứ hai trong năm 2024 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động sau khi giảm lãi suất vào cuối tháng 1/2024.

Ở lần điều chỉnh lãi suất này, Saigonbank giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, đồng thời bất ngờ tăng lãi suất đối với tiền gửi ở các kỳ hạn dài.

Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn 1-5 tháng được Saigonbank giảm 0,2 điểm phần trăm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm; kỳ hạn 13 tháng giảm còn 5,2%/năm.

Nhưng Saigonbank bất ngờ tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm, lên 5,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm, lên mức 5,8%/năm.

Trước đó, đã có 4 ngân hàng là Techcombank, Sacombank, BVBank và ACB nâng lãi suất tiền gửi so với giai đoạn đầu tháng 2.

Ngày 23/2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bất ngờ tăng lãi suất huy động sau hai lần giảm. Theo đó, nhà băng này nâng 0,2-0,4 điểm % cho khoản tiền gửi phát sinh mới ở kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng.

Ngày 16/2, Techcombank tăng 0,4% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên 2,75%/năm và tăng 0,5% lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng lên 3,15%/năm. Còn với khách hàng gửi tiền online, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1-0,2%/năm so với hình thức gửi tiền tại quầy.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) trong tháng 2 cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 24 tháng và 36 tháng lên 5,7%/năm và 5,9%/năm.

Hồi đầu tháng 1/2024, ACB cũng bất ngờ tăng lãi suất huy động từ 1-3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng 0,1%.

Động thái tăng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng trên gây chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại khác tiếp tục làn sóng hạ lãi suất đầu vào.

Lãnh đạo một nhà băng lý giải việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.



Tăng lãi suất huy động chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn

Dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng dù vẫn chậm nhưng đã có tín hiệu khởi sắc.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Song tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Giới phân tích tài chính đánh giá, trong nửa sau của năm 2024, khi nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, nhu cầu vay của các doanh nghiệp sẽ tăng, từ đó các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động nhằm huy động vốn để cho vay, song mức tăng lãi suất dự kiến không nhiều.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, phân tích xu hướng tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới khi ngành ngân hàng tập trung đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Do đó, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để tăng nguồn vốn huy động chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn sắp tới cũng là dễ hiểu. 

Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”. Công ty này dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Còn lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 để giảm thêm lãi vay, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa mấy sáng sủa, người dân và cả nhà đầu tư vẫn chọn gửi tiết kiệm.

Số liệu thống kê mới nhất của NHNN công bố ngày 15/1 cho thấy, bất chấp lãi suất tiết kiệm bị “nhấn chìm” sâu, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, tính đến tháng 11/2023 đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn