Sức hút của cổ phiếu trả cổ tức cao

Cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafé Biên Hoà đã ghi nhận chuỗi tăng trần 3 phiên liên tiếp. Chốt phiên 27/3, cổ phiếu này dừng ở mức 232.700 đồng/cp, lên vùng đỉnh một năm để củng cố vị trí đứng đầu về thị giá trên Sàn TP.HCM (HoSE). Thị giá của VCF hiện bỏ xa mức 147.000 đồng của cổ phiếu xếp sau là FRT (FPT Retail).

Cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HoSE “dậy sóng”

Trước chuỗi tăng này, cổ phiếu VCF có trạng thái giao dịch tương đối ảm đạm. Tuần trước, cổ phiếu này có đến 4 phiên không ghi nhận giao dịch nào thành công và thị giá giữ nguyên ở mức 190.000 đồng/cp.

Đà tăng mới được kích hoạt ngay sau khi HĐQT công ty công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, trong đó đáng chú ý là công ty sẽ chi 664 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250% (1 cổ phiếu nhận 25.000 đồng).

-2910-1711531410.jpg

ĐHĐCĐ đang tới gần, “làn sóng” cổ tức đang trở nên mạnh hơn.

Tương tự, thị giá cổ phiếu BMP (Nhựa Bình Minh) cũng chinh phục vùng đỉnh lịch sử ở mức 111.300 đồng/cp (chốt phiên 21/3). Được biết ngày 2/4 tới là ngày cuối cùng chốt danh sách dự ĐHĐCĐ của công ty.

Với truyền thống trả cổ tức “khủng”, chính sách cổ tức năm 2024 của Nhựa Bình Minh là thông tin đang được giới đầu tư chờ đợi, nhất là trong mùa ĐHĐCĐ năm ngoái, lãnh đạo doanh nghiệp này đã tiết lộ “có thể trả cổ tức cao cho đến năm 2025”. Trước đó, trong 4 năm liên tục, từ 2020 - 2023, Nhựa Bình Minh đều duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền trên 100%. Thậm chí, năm 2023, tỷ lệ cổ tức lên tới 118%.

Hay như ngày 29/3 tới, tại ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30% (tương ứng tổng số tiền trả cổ tức là 1.139,3 tỷ đồng).

Vài năm trở lại đây, cổ phiếu DGC được nhà đầu tư chú ý nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và việc phân phối lợi nhuận rất cao cho cổ đông. Chỉ riêng năm 2023, cổ đông của doanh nghiệp này nhận về khoản cổ tức lên tới 4.000 đồng/cp (gồm 1.000 đồng cổ tức còn lại của năm 2022 và 3.000 đồng tạm ứng cổ tức năm 2023).

Trên thị trường, từ cuối tháng 1/2024 đến nay, cổ phiếu DGC đã bứt phá mạnh khi leo lên mức cao nhất trong 21 tháng qua và tăng hơn gấp đôi sau gần 10 tháng. Cụ thể, kết phiên ngày 27/3, mã DGC dừng ở mốc 113.400 đồng/cp và tiến gần về đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa tháng 6/2022. Giá trị vốn hóa theo đó tăng hơn 7.000 tỷ đồng từ đầu năm lên gần 46.000 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, tại ĐHĐCĐ sắp tới, Hóa chất Đức Giang sẽ trình phương án sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hoá chất Đức Giang Lào Cai và nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam vào Đức Giang. Hiện, Hóa chất Đức Giang đang sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai, đơn vị này lại sở hữu 51% vốn tại Phốt pho Apatit Việt Nam. Phốt pho Apatit Việt Nam cũng được biết đến là doanh nghiệp chi trả cổ tức khủng trong năm 2023, với tỷ lệ lên đến 197% bằng tiền mặt. Doanh nghiệp này cũng dự kiến cổ tức năm 2024 tiếp tục ở tỷ lệ 3 con số.

Lựa chọn hợp lý với chiến lược dài hạn

Có thể thấy, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư quan tâm hơn đến kênh đầu tư cổ phiếu với các mã chi trả cổ tức cao, nhất là khi ĐHĐCĐ đang tới gần, “làn sóng” cổ tức đang trở nên mạnh hơn.

Hiện nay, trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp chi trả cổ tức ở mức trên 100% chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường có thị giá khá cao và không phải lúc nào muốn cũng mua được số lượng lớn, vì thanh khoản thường khá thấp do cổ đông có xu hướng nắm giữ để “ăn cổ tức". Tuy nhiên, nếu đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao luôn là một lựa chọn hợp lý.

“Những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức từ 10% trở lên đi kèm với triển vọng tăng giá của cổ phiếu sẽ là mức sinh lời thỏa đáng”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS nhấn mạnh.

Dù vậy, có một thực tế là không phải cổ phiếu nào chia cổ tức cao cũng đều hấp dẫn như nhau, mà yếu tố quan trọng nhất cấn xem xét đó là triển vọng tăng giá của cổ phiếu. Bởi lẽ, sau chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh, nếu giá cổ phiếu không tăng sau khi chia cổ tức đồng nghĩa với nhà đầu tư không được lợi (thậm chí còn bị lỗ nếu giá cổ phiếu đi xuống). Nhưng thực tế, yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định triển vọng tăng trưởng của giá cổ phiếu là triển vọng tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - điều mà các doanh nghiệp có cổ tức cao, đều đặn thực hiện được.

Theo chuyên gia VPS, các nhóm doanh nghiệp đang đáp ứng được tiêu chuẩn vừa có triển vọng kinh doanh tốt, vừa duy trì được mức cổ tức tốt qua từng năm gồm công nghệ viễn thông, dược phẩm, tiêu biểu như FPT, CMG, CTR, ELC, DHG, IMP, DBD…; nhóm dầu khí, tiêu biểu là PVS, PVD, GAS; nhóm tiện ích điện nước, tiêu biểu là BWE, TDM, BTP, VSH; nhóm bảo hiểm, tiêu biểu là PVI, BVH, BMI...

Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm đảm bảo được hai yếu tố về tiềm năng tăng trưởng và tỷ lệ cổ tức ổn định.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank, tiêu chí để lựa chọn các cổ phiếu cổ tức cao bao gồm dòng tiền kinh doanh ổn định, mô hình kinh doanh ít rủi ro và biến động, lịch sử chia cổ tức đều đặn và đang ở vùng định giá hợp lý. Bên cạnh một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thủy điện, nhiệt điện, dược phẩm, nước giải khát hay mía đường được đánh giá là đáp ứng đủ các yếu tố về mặt triển vọng kinh doanh lẫn cổ tức hợp lý.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý cho nhà đầu tư mua cổ phiếu sát ngày chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức có thể gặp phải rủi ro “đu đỉnh”, tuy được hưởng cổ tức nhưng đối diện với nguy cơ thua lỗ vì giá giảm, chưa kể cổ tức phải nộp thuế thu nhập 5%.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn