Thách thức bủa vây, doanh nghiệp gỗ chới với

Từ cuối năm 2022, tình hình đơn hàng liên tiếp sụt giảm đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ. Khó khăn này còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2023.

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp gỗ chới với

Từ cuối năm 2022, tình hình đơn hàng liên tiếp sụt giảm đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ. Khó khăn này còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu đồ gỗ suy giảm mạnh trong quý đầu năm 2023.

Xuất khẩu khó khăn…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3.9 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.

Hầu hết gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất tới Mỹ, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tới thị trường này ghi nhận mức giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2 tỷ USD.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ đã giảm nghiêm trọng từ quý 3/2022 do lạm phát ở Mỹ tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất.

Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu, và kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ là minh chứng rõ nét cho sự suy thoái của ngành này.

Doanh nghiệp gỗ lao đao

Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, 11 doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp tăng lãi, còn lại 8 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp thua lỗ.

Tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp gần 3,612 tỷ đồng và gần 207 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 26% và 55% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2023 của doanh nghiệp gỗ
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Kết thúc 3 tháng đầu năm, “ông lớn” ngành gỗ - Gỗ Trường Thành (TTF)  là đơn vị có lãi ròng sụt giảm mạnh nhất toàn ngành với 84% còn 2.5 tỷ đồng.

Lãi nhẹ trong quý 1 không đủ bù đắp cho con số lỗ lũy kế gần 3,073 tỷ đồng tại thời điểm 31/03/2023 của TTF. Đây cũng là nguyên nhân khiến HOSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu TTF, đồng thời đưa vào danh sách cổ phiếu không được cấp margin.

Là nhà sản xuất gỗ ép hàng đầu với lượng khách trung thành lớn, Gỗ An Cường (ACG) chỉ thu về hơn 36 tỷ đồng lãi ròng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ. Theo giải trình, lợi nhuận của ACG giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng chi tiêu, chi phí bán hàng tăng do Công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.

Không đứng ngoài bối cảnh khó khăn của toàn ngành, những cái tên như Gỗ Đức Thành (GDT), Gỗ Thuận An (GTA), Phú Tài (PTB) cũng ghi nhận lợi nhuận quý 1 bốc hơi từ 55 - 65%, xuống còn lần lượt 7.5 tỷ đồng, hơn 2 tỷ đồng và gần 63 tỷ đồng.

Gỗ MDFVRG Quảng Trị (MDF) lỗ gần 211 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3 tỷ đồng. Theo MDF, nguyên nhân là do tình hình khách quan của thị trường đầu vào biến động, trong khi giá bán giảm sâu so với năm trước.

Doanh thu quá thấp dưới mức hòa vốn dẫn đến việc Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (NHT) – doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ trang trí bằng gỗ lỗ ròng gần 600 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 14 tỷ đồng.

Trái ngược với không khí ảm đạm của ngành gỗ, chỉ riêng Pisico Bình Định (PIS) lãi ròng 6 tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ nhờ biên lãi gộp cải thiện cộng thêm việc tiết giảm đáng kể các chi phí.

Hầu hết doanh nghiệp gỗ có biên lãi gộp thu hẹp trong quý 1/2023
Nguồn: VietstockFinance

Kỳ vọng thị trường “dễ thở” hơn về cuối năm

Về tình hình sắp tới, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, phải hết quý 2/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%. Sự phục hồi trở lại vào nửa cuối năm kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương đạt 18 tỷ USD trở lên.

Bàn về giải pháp trung và dài hạn, ông Lập cho rằng, để tìm thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh với giá sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.

Trong khi đó, CTCK VNDIRECT (VND) đánh giá, khó khăn của ngành gỗ vẫn còn ở phía trước và triển vọng năm 2023 kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Kỳ vọng, các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024, khi lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.

Chậm hoàn thuế VAT

Một vấn đề nóng của ngành gỗ thời gian qua là việc nhiều doanh nghiệp gỗ bị  “treo” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo quy định hiện hành, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hầu hết doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4 – 05/2022. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 01/2022.

Việc hoàn thuế VAT đang kéo dài, không có thời hạn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp gỗ bị động. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp gỗ, số tiền hoàn đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng khi cộng dồn từ năm 2020 đến nay, tạo ra áp lực về dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn đang sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao.

Thế Mạnh

FILI