Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển thị trường trái phiếu xanh

“Nghẽn” xác nhận phân loại dự án xanh

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn lực này là khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo các nhà kinh tế, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của việc phát triển thị trường trái phiếu xanh hiện nay chính là hành lang pháp lý. Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đến nay, danh mục phân loại xanh vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn cho việc thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng như hoạt động tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT cho biết, hiện có 3 đề xuất về tổ chức xác nhận phân loại dự án xanh.

Phương án 1 là thông qua tổ chức độc lập, được các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính ủng hộ.

Phương án 2 là thông qua cơ quan quản lý Nhà nước.

Phương án thứ 3, các tổ chức tín dụng trực tiếp xác nhận trong quá trình thẩm định các dự án tín dụng.

Ông Nguyễn Đình Thọ cho biết, việc xác định xem ai sẽ chịu trách nhiệm phân loại xanh là vướng mắc lớn nhất, đồng thời nhấn mạnh, tập quán chung trên thế giới là sử dụng các tổ chức độc lập để phân loại xanh. Một số lo ngại, thách thức cũng được đại diện Bộ TN&MT đề cập tới như: việc các tổ chức tín dụng trực tiếp xác nhận có thể dẫn tới tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi; mặt khác, 1 dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhưng có thể sau đó không còn xanh nữa, hoặc có sự gian lận cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh thì sẽ xử lý như thế nào; ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi ưu đãi xanh sai phạm… Đây đang là những vấn đề cần làm rõ.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, có 3 vấn đề nổi cộm cần xử lý. Một là, cần hành lang pháp lý để hướng dẫn cho các DN chuyển đổi sang dự án xanh. Hai là, các dự án đã xanh rồi, cần phải có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai. Ba là, KCN Nam Cầu Kiền đang chuyển đổi sang KCN sinh thái để phấn đấu theo tiêu chí xanh, điều này gây tốn kém nhiều chi phí như cây xanh, quỹ đất, thuê kiểm toán PWC, tư vấn ESG,... nhưng hiện không có ưu đãi gì cho DN.

Nhu cầu trái phiếu xanh rất lớn

Trao đổi về vấn đề điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu xanh, bà Hà Thu Phương, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, thách thức trong vấn đề thực thi đối với trái phiếu xanh rất lớn. Các yếu tố động lực về mặt tài chính chưa rõ ràng để tham gia trái phiếu xanh trong khi quy trình yêu cầu công bố thông tin, khối lượng công việc nhiều. Khẳng định nhu cầu trái phiếu xanh ở Việt Nam rất lớn, tuy nhiên lực cung không có, lãi suất giữa Việt Nam và thế giới chưa thuận lợi, các chi phí tư vấn luật lớn, thủ tục tương đối lâu, bà Phương cho rằng cần có hành lang riêng cho phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế.

“Hiện nay, các bước vẫn phải làm là đăng ký hạn mức vay nợ nước ngoài rồi gửi hồ sở cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau đó thực hiện làm việc với nhà đầu tư tiềm năng. Quy trình này kéo dài từ 6-9 tháng. Điều này sẽ làm lỡ mất cơ hội của các tổ chức phát hành”, bà Hà Thu Phương nói. Do vậy, về thủ tục, nếu có cơ chế riêng thì sẽ là động lực để tổ chức phát hành bắt kịp các điểm chạm của thị trường. Ngoài ra, hiện nay, các tiêu chí chưa định lượng được rõ nên ngân hàng thương mại mong có tổ chức độc lập có đủ uy tín để xác định được dự án xanh", bà Hà Thu Phương đề xuất.

Khuyến nghị về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng phải có cơ chế động lực đủ mạnh. Nêu ví dụ về Trung Quốc, TS. Cấn Văn Lực cho biết, quốc gia này đã đi trước khoảng vài năm nhưng đã làm được một số vấn đề Việt Nam nên tham khảo: tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh được giảm lãi suất; lập quỹ phát triển xanh quốc gia để hỗ trợ, khuyến khích; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế khoảng 15,5 tỷ USD đã sẵn sàng để đầu tư vào Việt Nam nhưng Việt Nam chưa có danh mục dự án, chương trình, địa phương cụ thể để họ đầu tư. Đây là điểm cần cập nhật đầy đủ kịp thời. Về thẩm định, tư vấn với danh mục xanh, chuyên gia này cho rằng nên thuê tư vấn độc lập cùng với việc xây dựng cơ chế thẩm định mạch lạc.

Liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu xanh, theo các chuyên gia, phát triển kinh tế xanh là vấn đề sống còn, là thách thức của mỗi quốc gia nhưng phải xác định Nhà nước có vai trò biến thách thức của Nhà nước thành cơ hội của DN, phải thiết kế chính sách để DN thấy cơ hội, lợi ích của họ ở đó. Cùng với ưu đãi, cần tạo môi trường cho DN hoạt động tốt để đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế nói chung, kinh tế xanh nói riêng.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn