Thêm một doanh nghiệp trên sàn bị ngân hàng siết nợ: Sở hữu chuỗi nhà sách, khách sạn có tiếng ở Tây Nguyên, toàn bộ hội đồng quản trị không nắm giữ cổ phần

Thêm một doanh nghiệp trên sàn bị ngân hàng siết nợ: Sở hữu chuỗi nhà sách, khách sạn có tiếng ở Tây Nguyên, toàn bộ hội đồng quản trị không nắm giữ cổ phần - Ảnh 1.

Khách sạn Tre Xanh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai mới đây tiếp tục thông báo đấu giá tài sản bảo đảm là toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh; Tre Xanh Plaza; Hầm đậu xe, cổng tường rào và các thiết bị đi kèm công trình xây dựng tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo mô tả của Agribank, khách sạn này tọa lạc tại số 18 Lê Lai; nằm gần ngay các trung tâm hành chính và trung tâm thương mại của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; cách sân bay Pleiku 5,5km. Cụm khách sạn, nhà hàng Tre Xanh, Tre Xanh Plaza gồm 02 Khu thông nhau (Khu A và Khu B) với tổng diện tích sàn 14.339,41 m2.

Toàn bộ thiết bị đầy đủ, hoạt động tốt phục vụ cho hoạt động nhà hàng khách sạn (hệ thống 05 thang máy hoạt động tốt; hệ thống điện, âm thanh, ánh sáng hoạt động tốt; hệ thống bếp hoạt động tốt; hệ thống vệ sinh hoạt động tốt; hệ thống bếp, thiết bị bếp hoạt động tốt; hệ thống máy lạnh, điều hòa hoạt động tốt; hệ thống cấp thoát nước hoạt động tốt; …).

Hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng hiện hoạt động kinh doanh tốt. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích đất 2.733,57 m2.

Khối tài sản này được Agribank đem ra đấu giá với giá khởi điểm 86,7 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 30/10/2023.

Được biết, Khách sạn Tre Xanh là tài sản của CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (Tay Nguyen Group, mã chứng khoán: CTC). Hồi tháng 11/2022, Tay Nguyen Group đã công bố quyết định của Chi cục Thi hành Án Dân sự TP Pleiku về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản do công ty có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Tay Nguyen Group không được chuyển dịch, sang nhượng các tài sản trên cho đến khi thi hành án xong hoặc quyết định của cơ quan thi hành án dân sự thành phố Pleiku.

Các tài sản kê biên bao gồm: Toàn bộ công trình xây dựng của Khách sạn Tre Xanh, Tre Xanh Plaza, hầm đậu xe, cổng tường rào và thiết bị đi kèm công trình trên tại 18 Lê Lai, TP Pleiku. Đồng thời, tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ tài sản được nâng cấp cho nhà hàng Tre xanh Plaza từ tầng 1 đến tầng 3 tại 18 Lê Lai và các tài sản khác có giá trị không thuộc danh mục các tài sản thế chấp nêu trên nhưng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Tay Nguyen Group (nếu có).

Theo tìm hiểu, Tây Nguyên Group được thành lập năm 2004. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn nhà hàng với hệ thống nhà hàng, khách sạn và các công ty du lịch thành viên.

Tại thị trường Gia Lai, công ty sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn với thương hiệu Xanh như Khách sạn Tre Xanh, Công Viên Đồng Xanh, Tre Xanh Plaza, Nhà sách – siêu thị văn hóa Pleiku, Nhà sách - Siêu thị Đông Gia Lai, Nhà sách-Siêu thị Nam Gia Lai.

Doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX với mã chứng khoán CTC. Vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là gần 158 tỷ đồng, trong đó toàn bộ 5 thành viên hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên đều không nắm giữ cổ phần công ty. Ngày 12/10, HNX đã quyết định đưa cổ phiếu CTC vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 2/2023 tự lập, công ty có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3,76 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2, công ty lỗ 310 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lỗ 19,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên lỗ gần 526 triệu đồng. Qua đó đưa tổng mức lỗ lũy kế lên gần 38,7 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên vay ngân hàng gần 90 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn. Trong đó, vay BIDV 38,2 tỷ đồng nợ ngắn hạn; vay Agribank 37 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 14,8 tỷ đồng nợ dài hạn.

Trước Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng đã bị ngân hàng siết nợ, thanh lý tài sản như CTCP Nông dược H.A.I (Nông dược HAI – UPCoM: HAI). CPCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai - HoSE: DLG), CTCP Licogi 166 (UPCoM: LCS), CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (UPCoM: DIC), CTCP VKC Holdings (tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh – UPCoM: VKC).

Xem thêm tại cafef.vn