Thị trường ngân hàng và những vấn đề phía trước

Lãi suất: Câu chuyện của quý II/2024

TPBank - Chi nhánh Trung Hòa (Hà Nội) tấp nập người đến giao dịch vào chiều ngày cuối trước khi nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Nhân viên quầy giao dịch cho biết: “Phần lớn là khách hàng đến giao dịch rút tiền và khoản tiền rút đi không hề nhỏ”.

Còn tại phòng giao dịch của BAC A BANK trên đường Nguyễn Thị Định (Hà Nội), nhân viên ngân hàng cố gắng thuyết phục khách hàng không rút tiết kiệm bởi “trong tuần này sẽ tăng lãi suất huy động”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của BIDV nhận định, bước sang quý II/2024, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng có thể tăng nhẹ khi các yếu tố tác động bắt đầu dịch chuyển theo chiều hướng kém thuận lợi hơn.

Cụ thể, liên quan đến chính sách tiền tệ, mặc dù tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng là chủ đạo để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng trước áp lực gia tăng trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều tiết cung tiền trên thị trường mở theo hướng thận trọng hơn để góp phần ổn định tỷ giá.

Việc cân đối huy động - cho vay cũng có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh huy động vốn được dự báo kém tích cực hơn và tín dụng được đẩy nhanh hơn so với quý trước đó. Ước tính, tăng trưởng cho vay trong quý II/2024 có thể đạt 2-3% và cao hơn khoảng 0,5% so với tăng trưởng huy động vốn.

“Ngoài ra, lãi suất huy động tiền đồng cũng khó có thể giảm thêm trong bối cảnh môi trường trong nước cũng như quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và mặt bằng lãi suất hiện đã tiệm cận mức thấp nhất lịch sử, đặt trong các tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Trong diễn biến có liên quan, bà Yun Liu - chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho biết, lạm phát toàn phần tháng 3/2023 giảm 0,2% so với tháng trước đó do điều chỉnh giá giai đoạn tết, dẫn đến lạm phát tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn so với dự báo của HSBC và thị trường là 4,2% nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng. Cụ thể hơn, ngoại trừ nhóm “nhà ở và vật liệu xây dựng” và “hàng hóa và dịch vụ khác”, các nhóm dịch vụ, hàng hóa khác đều giảm.

“Tuy giá thực phẩm hàng tháng giảm nhưng giá gạo tiếp tục tăng ở mức 2 con số, nên cần tiếp tục cẩn trọng với rủi ro tăng lạm phát thực phẩm và năng lượng, dù không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp nới lỏng trong tương lai gần. Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5%/năm từ nay tới năm 2025”, bà Yun Liu nói.

Nợ xấu: Kỳ vọng đạt đỉnh nửa đầu năm 2024

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận: “Có một thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh”.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối năm là 4,55% - cao hơn mục tiêu 3% của Chính phủ và tăng mạnh so với con số cuối năm 2022 là 2,03%. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu gộp tăng từ 4,5% năm 2022 lên 6,91% năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm giảm mạnh từ mức 122,6% năm 2022 xuống 95% cuối năm 2023 nhằm đảm bảo mục tiêu lợi nhuận khi môi trường kinh doanh khó khăn.

Dự báo nợ xấu của tổ chức tín dụng năm 2024, vị lãnh đạo cao cấp của BIDV cho rằng, sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu do: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng còn thấp khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mang tính “kỹ thuật”.

Thứ hai, việc cho vay còn khó khăn với một số ngành như năng lượng tái tạo (sau giai đoạn phát triển “nóng” nhờ các ưu đãi, các chính sách điều chỉnh mới làm giảm tính hấp dẫn của dự án ngành này, đặc biệt các dự án chuyển tiếp còn khó khăn do cơ chế giá FIT chậm ban hành hoặc thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường bất động sản phục hồi nhưng còn chậm, dự báo khả quan hơn sẽ từ cuối quý II/2024…

Thứ ba, khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết thời hạn vào ngày 30/6/2024 (tính đến tháng 12/2023 đạt khoảng 1,35% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế). “Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất gia hạn 6 tháng nữa, tức là đến hết năm 2024 để tiếp tục đánh giá, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế khác hỗ trợ”, ông Tú thông tin.

Thứ tư, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và chậm thanh toán còn ở mức cao như nêu trên (tuy vậy, doanh nghiệp có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa 2 năm nếu trái chủ đồng ý).

Thứ năm, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã loại bỏ một số điều quan trọng về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng quan trọng trong vụ án hình sự, vi phạm hành chính. Khi đó, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn nhất định khi Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Tỷ giá: Áp lực giảm dần từ cuối quý II/2024

Diễn biến trên thị trường cho thấy, áp lực tỷ giá vẫn còn lớn trong nửa đầu năm 2024. Tỷ giá USD/VND, bên cạnh các yếu tố nội tại của Việt Nam, còn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ biến động của USD. Trên thực tế, trong quý I/2024, chỉ số DXY đã đổi chiều tăng trở lại với một loạt yếu tố hỗ trợ như số liệu tích cực từ thị trường lao động, lạm phát của Mỹ không giảm nhanh như dự báo… Đây cũng là động lực để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mức lãi suất cao lâu hơn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, kỳ vọng giảm lãi suất của Fed lần đầu tiên trong năm 2024 đã được lùi sang nửa sau của năm này. Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất VND-USD đang rất lớn, đây là yếu tố bất lợi khiến tỷ giá USD/VND có nhiều đợt tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, vẫn có những yếu tố nội tại góp phần ổn định tỷ giá như cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước dự kiến vẫn khá tích cực với mức thặng dư có thể đạt 7-8 tỷ USD. Câu chuyện nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản và Úc gần đây được kỳ vọng là “cú huých” cho dòng vốn FDI và thương mại quốc tế cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, sẵn sàng can thiệp, bình ổn trong những thời điểm áp lực tỷ giá gia tăng.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trong điều hành tỷ giá, cần phải có cái nhìn dài hạn và diễn biến tỷ giá hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Hùng, bản thân chỉ số DXY đo lường biến động của “đồng bạc xanh” so với 6 đồng tiền chủ chốt (gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%, hiện dao động quanh mức 106 điểm (thời điểm cao nhất vào cuối năm 2022 là 107 điểm). “Do vậy, chưa tính đến các yếu tố khác, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND trước tiên đến từ chính đồng tiền này”, chuyên gia ADB nói.

“Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường”, ông Hùng phân tích thêm.

Vị lãnh đạo BIDV dự báo, tỷ giá USD/VND trong năm 2024 có thể tăng khoảng 2,5-3% và hình thái có thể giằng co với các đợt tăng, giảm đan xen.

Từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD. Hiện tại, tỷ giá VND/USD đã mất giá 4,9% so với đầu năm.

Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung, thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi Ngân hàng Nhà nước có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn