Thị trường quay đầu phiên ATC: Nguyên nhân từ quỹ mô phỏng bộ chỉ số MSCI cơ cấu danh mục?
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận tăng điểm trong hai phiên 28 - 29/11, đa phần các cổ phiếu đều diễn biến tương đối khả quan. Xu hướng này tiếp tục kéo dài qua phiên sáng 30/11, với phần lớn thời gian VN-Index giao dịch trong sắc xanh.
Tuy nhiên, qua phiên chiều, thị trường bắt đầu giảm điểm, chỉ số có lúc về 1.090 điểm (giảm hơn 12 điểm) với lực bán bất ngờ xuất hiện. VN-Index kết phiên cuối tháng 11 tại 1.094 điểm, giảm gần 9 điểm, tương đương 0,8%.
Các bluechip tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung gồm MSN, VIC, GAS, HPG, VJC, VRE, BID, VCB, VNM, SAB. Trong đó 3 mã MSN, VIC, GAS góp hơn 2 điểm.
Thị trường chìm trong sắc đỏ. Trên HOSE có 362 mã giảm, 138 mã tăng và 89 mã đứng giá. Diễn biến bất ngờ của phiên chiều khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn lực bán đến từ đâu.
Trao đổi với một số chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán, người viết được câu trả lời chung rằng nhiều khả năng lực bán đến từ việc quỹ của iShares thực hiện cơ cấu danh mục.
Trước đó vào sáng 15/11, MSCI công bố thêm 6 cổ phiếu Việt Nam (bao gồm CEO, EVF, KOS, SIP, VPB và CTR) vào rổ danh mục MSCI Frontier Market Index - chỉ số cơ sở cho quỹ iShares Frontier and Select EM ETF (iShares FM). Quỹ ETF đến từ Mỹ này có quy mô giá trị tài sản ròng gần 4.800 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm khoảng 25,8%. Hoạt động cơ cấu danh mục của iShares FM có hạn cuối là 30/11.
Theo một số chuyên gia, quỹ iShares FM có thể tăng tỷ trọng tại một số midcap, ngược lại giảm đối với các mã còn lại. Dữ liệu cụ thể danh mục thay đổi ra sao sẽ được cập nhật vào phiên sau (1/12).
Ông Trần Xuân Bách, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến giảm của thị trường không quá bất ngờ. Thị trường quay đầu khi chạm vùng cản và bị bán mạnh vào ATC do ảnh hưởng của quỹ liên quan bộ chỉ số MSCI thực hiện cơ cấu.
Còn theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường giảm đầu tiên xuất phát từ lực cầu yếu.
“Chiều nay (30/11) là phiên kiểm tra lượng cổ phiếu thân nến rút chân ngày thứ Ba (27/11), và có vẻ như cầu không duy trì đủ tốt. Bằng chứng là đầu phiên sáng khá tích cực, nhưng phiên chiều chưa đến ATC thì thị trường cũng mất mốc 1.100 điểm.
ETF là một phần nguyên nhân, nhưng tôi quan sát thấy theo số liệu thì quy mô các quỹ mô phỏng theo MSCI chính thức hiện lại không lớn và cũng có một số mã được mua vào. Tổng quy mô bán ròng ATC không nhiều. Cũng có một lượng cung đáng kể như thường lệ trong phiên ATC, dòng tiền hiện tại chủ yếu là nhỏ lẻ, vắng dòng tiền lớn, nên nếu theo chiều mua hay bán đều quyết liệt tại thời điểm cuối ngày”, ông Huy nhận định.
Về bối cảnh thị trường hiện tại, vị chuyên gia của DSC không nhận thấy thay đổi gì nhiều, khi lực cầu vẫn yếu. Vùng dao động đi ngang của VN-Index là 1.080 – 1.020 điểm. Nếu vùng 1.080 mất, khả năng chỉ số có thể sẽ giảm nhanh.
Theo ông Huy, hiện tại chưa có thông tin gì quá xấu để kích hoạt bán tháo. Tuy nhiên bối cảnh nội tại yếu của nền kinh tế vẫn khiến cầu dè dặt. Kịch bản khả thi và kỳ vọng là thị trường tiếp tục giữ được vùng tích luỹ trong biên nói trên để chờ những thông tin mới trong giai đoạn đầu năm.
Liên quan đến cơ cấu quỹ ngoại, tuần này thị trường còn đón chờ một thông tin khác là FTSE Vietnam Index sẽ công bố danh mục kỳ quý IV vào ngày 1/12. Đây là chỉ số tham chiếu của FTSE Vietnam ETF, quy mô tài sản ròng khoảng 8.200 tỷ đồng và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm 100%.
Theo dự báo của Chứng khoán BSC và SSI Research, FTSE Vietnam ETF sẽ thêm mới cổ phiếu PDR và không loại bỏ cổ phiếu nào trong kỳ cơ cấu cuối năm.
Xem thêm tại vietnambiz.vn