Tín dụng 'ấm' trở lại, mục tiêu tăng trưởng 15% vẫn là thách thức?

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng ngân hàng đang thừa tiền mà không cho vay ra được một phần do nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp. Hơn nữa, lãi suất cho vay ở thị trường Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước. Với chi phí vốn cao nên lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường yếu hơn, sức cạnh tranh kém hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.

"Cân đong" hiệu quả chính sách tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong quý I/2024, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.

Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.

-9374-1713355350.jpg

Để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, NHNN cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng.

Ngày 17/4, tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", phân tích về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng năm qua, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết chính sách tiền tệ năm 2023 được coi là linh hoạt về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như 4 lần giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu, lãi suất cho vay giảm nhưng nhỏ hơn mức giảm của lãi suất huy động.

Ông Thành phân tích, yếu tố cầu của nền kinh tế khó khăn nên hấp thụ vốn của các khu vực trong nền kinh tế suy giảm nhưng cũng phản ánh kênh truyền tải của chính sách tiền tệ chính là hệ thống tài chính tiền tệ còn nhiều điểm nghẽn.

Đó là, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại dù đã nỗ lực cải thiện, song bộ đệm an toàn vốn vẫn ở mức tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế và các quốc gia trong khu vực.

Về chất lượng tài sản, do khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng nên tỷ lệ nợ xấu gia tăng ở hầu hết các nhóm nợ. Nợ nội bảng ở mức gần 5% phản ánh những khó khăn của nền kinh tế đang có dấu hiệu lây nhiễm sang khu vực tài chính tiền tệ.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối về kỳ hạn là nút thắt lớn. Tiền gửi ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đang ở mức gần 50%.

Ngoài ra, thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán gặp nhiều vấn đề khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Nhu cầu vốn trung dài hạn tiếp tục đổ dồn gánh nặng vào hệ thống các ngân hàng thương mại, gây gia tăng hơn nữa rủi ro về kỳ hạn và thanh khoản.

"Chính sách tài khoá đứng trước tình thế lưỡng nan, dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP thu hẹp, song chúng ta vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ", ông Thành đánh giá.

Vì vậy, ông Thành lưu ý hiệu lực của chính sách tiền tệ không cao đi kèm với dấu hiệu lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ đang suy giảm.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là khá cao

Vấn đề đang được các chuyên gia, doanh nghiệp và cả ngành ngân hàng quan tâm đó là các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm?

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Năm nay, NHNN đã giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 14 - 15% ngay từ đầu năm, là một tỷ lệ khá cao.

Tuy nhiên, có khá nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Khu vực có nhu cầu vay vốn lớn nhất là các dự án bất động sản, hiện có hàng nghìn dự án bất động sản ở Hà Nội và TPHCM. Đây là một nơi thu hút vốn rất lớn, nhưng nếu không giải quyết được thủ tục pháp lý thì khó có thể thuyết phục được ngân hàng giải ngân vốn.

"Trong khi đó, nhu cầu nhà ở đang rất thiếu và khả năng phục hồi lại thị trường bất động sản là có nhiều cơ may hơn các thị trường khác", TS Lê Xuân Nghĩa nêu.

Chuyên gia này lưu ý, hiện nguồn vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng. "Kể cả là nhà ở chính sách xã hội, nhà ở giá rẻ, rồi phục hồi bất động sản, phục hồi sản xuất kinh doanh… đều trông cậy khá nhiều vào ngân hàng. Cho nên tôi nghĩ rằng, cần phải có thêm một sự hỗ trợ khác nữa, có thể là nguồn vốn ngân sách", TS Lê Xuân Nghĩa góp ý.

Theo ông Thành, để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, NHNN cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng. Đồng thời, triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như giảm lãi suất cho vay…

Ví dụ như đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; ban hành quy định cụ thể yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai các thông tin quan trọng trong cấp tín dụng như: lãi suất cho vay bình quân, các loại phí suất, cách tính phí, lãi suất thực bình quân theo năm.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cần sớm gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng thông qua cho phép các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, và đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản để giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn