Tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa phát triển xứng với tiềm năng

Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa phát triển xứng với tiềm năng
Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, hoạt động tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan như tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận khoản vay xanh, dự án xanh.

Ngoài ra, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng chưa có đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về đánh giá tác động môi trường, xã hội.

Thêm nữa, theo ông Lực, nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về tăng trưởng xanh, về ESG và tín dụng xanh còn hạn chế, thường đòi hỏi lãi suất ưu đãi trong khi chi phí vốn cao, hầu như không có ưu đãi của Nhà nước. Chưa kể, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn…, trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn…

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng mặc dù nhu cầu lớn, việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Mới chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành từ năm 2018 đến năm 2023.

“Một số khái niệm về tăng trưởng xanh, thị trường vốn xanh còn mới, sự nhận thức và sẵn sàng cho thị trường vốn xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trên thị trường vốn còn ở mức thấp, đây là một trong những thách thức cho sự phát triển của trái phiếu xanh”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Cần cơ chế hút vốn cho đầu tư xanh

Để phát triển tài chính xanh, ông Cấn Văn Lực cho rằng các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu... Trong đó, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước (như năng lượng, giao thông - vận tải, sản xuất công nghiệp - nông nghiệp, du lịch...).

Ông Lực cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ KHCN…

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa phát triển xứng với tiềm năng
TS Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…

Đặc biệt, TS Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN).

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng nhìn chung, những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính.

Thứ nhất là tiếp cận theo nguyên tắc “danh sách trắng”: Cách tiếp cận này tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực. Phân loại này liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện.

Thứ hai là tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (Technical screening criteria): Cách này cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, phương pháp này xác định liệu các hoạt động kinh tế có tạo ra một đóng góp đáng kể vào môi trường và không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác hay không.

Trong các lĩnh vực, cách tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật nhằm mục đích trung lập về công nghệ trong việc sàng lọc các dự án đủ điều kiện để đưa vào và do đó không xác định trước bất kỳ hoạt động công nghệ hoặc tiểu ngành cụ thể nào.

Tuy nhiên, việc vận hành tiêu chí sàng lọc kỹ thuật sẽ đòi hỏi sự sẵn có của dữ liệu cần thiết. Danh mục phân loại xanh của Hàn Quốc, EU và Nam Phi đang sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng.

Thứ ba là tiếp cận dựa trên các nguyên tắc (principles-based approach): Cách tiếp cận này được áp dụng ở danh mục phân loại của Malaixia và Nhật Bản. Ngân hàng Negara, Malaixia sử dụng phương pháp phân loại dựa trên nguyên tắc để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Danh mục xanh áp dụng nguyên tắc tiếp cận này sẽ bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn