3 cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh tuần qua, CTG sắp vượt đỉnh

Dòng tiền chứng khoán tiếp tục lan tỏa ở nhiều nhóm cổ phiếu đặc biệt là sự thể hiện của 2 nhóm ngân hàng và bất động sản trong 3 phiên cuối tuần giúp VN-Index có lần đầu tiên trở lại cao điểm 1.280 sau hơn một năm rưỡi.

VN-Index kết thúc tuần giao dịch từ 18-22/3 tăng 18,02 điểm (+1,43%) lên 1.281,8 điểm - cao nhất 18 tháng. Thanh khoản trên sàn HoSE tăng 20,4% so với tuần trước, đạt gần 30.400 tỷ đồng/phiên.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã ghi nhận nhịp tăng ấn tượng trong đó TCB (+8,5%), VIB (+7,6%), MBB (+5,3%), BID (+3,8%). Các cổ phiếu VN30 khác cũng duy trì mức tăng từ 2-4% trong đó các mã như ACB, BID, HDB thiết lập mức đỉnh giá mới; cổ phiếu CTG cũng giao dịch ngay sát đỉnh lịch sử.

3 cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh tuần qua, CTG sắp vượt đỉnh
Diễn biến giá một số cổ phiếu ngân hàng

Được biết, tại ĐHCĐ thường niên 2024 tới đây, kế hoạch trả cổ tức của các ngân hàng lại tiếp tục là một trong những điểm nóng được các nhà đầu tư chú ý. Mặc dù trong năm 2023 nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn duy trì trả cổ tức cao, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu.

Một loạt ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ACB dự kiến chia cổ tức 2023 tỷ lệ 25% (gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt). VIB có kế hoạch chi trả cổ tức 2023 bằng tiền (đợt 2) theo tỷ lệ 6,5%, phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17%.

Techcombank (Mã TCB) sẽ trình phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế, kết thúc 10 năm không trả cổ tức. Ước tính tỷ lệ thực hiện là 1.500 đồng/cp. Nam A Bank cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong đó dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ.

Câu chuyện cổ tức trước thềm Đại hội

Một số ngân hàng khác chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng cũng đã gợi ý về kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn trong các cuộc hội thảo, hội nghị hay gặp gỡ nhà đầu tư.

Ông lớn VietinBank (Mã CTG) cũng được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cả VietinBank và Vietcombank (Mã VCB) đều đã công bố kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức. Đáng nói, phía Vietcombank đã chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ với giá 100.000 đồng/cp, dự kiến thu về 24.450 tỷ đồng.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế. BIDV sẽ phát hành riêng lẻ 9% cổ phần với giá dự kiến 48.036 đồng/cp để thu về hơn 27.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024.

Ngoài ra, tại ĐHCĐ năm 2023, VPBank từng cho biết có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm ngoái, VPBank từng bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

3 cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh tuần qua, CTG sắp vượt đỉnh
Ảnh minh họa

Chia sẻ tại Hội thảo chứng khoán "Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường" mới đây, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu của FiinGroup cho hay, cùng với kế hoạch kinh doanh và tăng vốn, chia cổ tức là vấn đề mà nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng cần đặc biệt lưu ý trong mùa đại hội năm nay.

Theo bà Vân, vào cuối năm ngoái, khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, dòng tiền vào ngân hàng đã từng đặt kỳ vọng rằng tín dụng 2024 cũng sẽ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận cho đến nay vẫn chưa diễn ra khi tín dụng quay đầu tăng trưởng nhanh, dẫn đến có những dự báo không mấy khả quan về lợi nhuận ngân hàng, có thể khiến dòng tiền thoái lui.

"Để dòng tiền trở lại, ngân hàng có rất nhiều câu chuyện khác để thu hút. Với mặt bằng định giá đang ở mức hợp lý và lại có câu chuyện trả cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu ngân hàng sẽ là điểm đến tiềm năng của dòng tiền nhà đầu tư", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn