3,6 tỷ USD doanh thu của Vingroup nửa đầu năm đến từ đâu?

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023. Tập đoàn này đã ghi nhận doanh thu 86.259 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.899 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,7 lần và 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản doanh thu kỷ lục 47.143 tỷ đồng trong quý 2/2023 đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng doanh thu của tập đoàn trong nửa đầu năm.

Trong cơ cấu doanh thu của Vingroup nửa đầu năm, hầu hết các mảng kinh doanh đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bất động sản và sản xuất ghi nhận sự "bứt phá" mạnh mẽ.

Mảng bất động sản trong nửa đầu năm ghi nhận doanh thu 59.229 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ. Trong 6 tháng qua, doanh thu bất động sản đã chiếm tỷ lệ 68,8% cơ cấu doanh thu của Vingroup, cao nhất kể từ năm 2017. Đây là một điểm bất ngờ trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng trong nửa đầu năm.

Nguồn thu bất động sản của Vingroup tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ kết quả khả quan của công ty con là Vinhomes (mã chứng khoán: VHM).  6 tháng đầu năm, công ty này đã thu về 62.131 tỷ đồng doanh thu thuần gấp 4,6 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ, đạt 21.637 tỷ đồng.

Theo Vinhomes, để có được kết quả trên nhờ vào các đợt mở bán thành công của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 với giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) và doanh số chưa bàn giao đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 đã tạo tiền đề cho kết quả của năm 2023.

Xếp thứ hai trong cơ cấu doanh thu của Vingroup chính là mảng sản xuất khi mang về 9.708 tỷ đồng, tăng 54%. Riêng trong quý 2/2023, doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 8.017 tỷ đồng. Kết quả là nhờ VinFast đã bán được 11.638 xe ô tô điện. Con số này được xét trong bối cảnh người dân trong nửa đầu năm thắt chặt chi tiêu.

Mảng sản xuất của tập đoàn cũng đang đón những tín hiệu tích cực khi giữa tháng 8 vừa qua, VinFast đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ với mã VFS.

Trong tháng 7, VinFast cũng chính thức khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ. Đây sẽ là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đồng thời là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử bang cho đến thời điểm hiện tại, đóng góp vào nguồn cung xe điện cho thị trường Bắc Mỹ, thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh toàn cầu.

Một điểm đáng chú ý, Vingroup cũng đã tiết lộ trong BCTC của mình số tiền mà hai công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng là CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh (GSM) và CTCP VMI (lĩnh vực bất động sản) đóng góp cho tập đoàn.

Tập đoàn có ghi nhận doanh thu bán hàng với bên liên quan là GSM số tiền là 5.615 tỷ đồng. Ngoài ra, Vingroup cũng đang nhận đặt cọc trước 1.978 tỷ đồng từ GSM để cung cấp hàng hóa. Đây là các khoản mà hãng taxi này đã trả cho VinFast để mua xe điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn về phía công ty VMI, Vingroup đang ghi nhận hơn 2.062 tỷ đồng tiền đặt cọc chuyển nhượng bất động sản từ công ty này. 

Xem thêm tại cafef.vn