Ba trụ cột tăng trưởng ở Sabeco

Năm 2023, thị trường bia Việt Nam chịu nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu biến động, tình hình lạm phát và lãi suất vay tăng, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do kinh tế suy thoái, cùng với sự siết chặt của một số công cụ chính sách liên quan.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đã có sự giảm mạnh vào giai đoạn nửa cuối năm 2023. Cùng với việc thực thi nghiêm ngặt của Nghị định 100, kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trong năm 2023 bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 30.461 tỷ đồng và lợi nhuận 4.255 tỷ đồng, tăng 13% và 7,6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ lần lượt hoàn thành được 76% và 74% so với kế hoạch đề ra.

Ông Lester Tan - CEO Sabeco cho biết, năm 2023, thị phần của công ty trên thị trường liên tục bị xáo trộn. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, thương hiệu bia Sài Gòn đang là số 1 tại Việt Nam, và mục tiêu kế tiếp là đưa toàn bộ Sabeco lên số 1 và duy trì duy vị thế này.

Năm 2024, Sabeco lên kế hoạch với doanh thu thuần mục tiêu đạt 34.397 tỷ đồng, tăng 12,9% và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 4.580 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 7,6%.

Lãnh đạo công ty thừa nhận, kế hoạch đề ra cho Sabeco có phần hơi cao. Tuy nhiên, kết quả trong quý 1/2024 của Sabeco đang ghi nhận cao hơn so với cùng kỳ. Do đó ban lãnh đạo công ty tự tin có thể đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Ba trụ cột tăng trưởng ở Sabeco
Ông Lester Tan - CEO Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - Ảnh: Sabeco

Chủ thương hiệu bia Sài Gòn đã có quý khởi đầu 2024 thuận lợi với doanh thu tăng 15,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 2%. Động lực của 3 tháng đầu năm nhờ tối ưu hoạt động thương mại và đội ngũ bán hàng làm việc hiệu suất tốt.

Nhận định cả năm, Sabeco cho rằng thị trường vẫn có "cơ hội vàng" nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, cũng như tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.

Về biên lợi nhuận năm 2024, ông Koo Liang Kwee - Phó tổng giám đốc phụ trách kế toán, tài chính và hỗ trợ cho biết, một trong hai yếu tố sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận là giá nguyên vật liệu.

Theo đó, Sabeco đang sử dụng nguyên vật liệu là đại mạch và lon nhôm được mua từ năm trước với giá cao hơn hiện tại, do đó chi phí về nguyên vật liệu ghi nhận trong năm 2024 sẽ cao hơn.

Cùng với đó là yếu tố tác động về tỷ giá vì nguyên vật liệu của Sabeco được mua bằng USD. Ông cho biết tỷ giá hiện tại đang khá cao và có thể ảnh hưởng tới chi phí của công ty, dẫn đến việc chi phí bán hàng có thể bị đội lên trong năm 2024.

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu hiện tại đang ở mức tốt và Sabeco có thể được hưởng mức giá tốt này trong năm 2025.

Giai đoạn hiện tại, Sabeco đang tập trung đẩy mạnh ba lĩnh vực bao gồm: tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và các sáng kiến ESG.

Trong đó, Sabeco tiếp tục tìm cách cắt giảm, sử dụng chi phí hiệu quả. Ở tiếp cận thị trường, công ty làm việc trực tiếp với chuỗi cung ứng cũng như các nhà phân phối cấp 1 để đảm bảo phát triển về khả năng bán hàng và năng lực bán hàng.

Ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch Sabeco thông tin, doanh nghiệp đã thành lập Uỷ ban phát triển bền vững và quản trị rủi ro để hỗ trợ, hướng dẫn cho ban điều hành trong hoạt động ESG, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán để đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro được triển khai một cách hiệu quả.

Năm ngoái, Sabeco đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại 9 nhà máy sản xuất bia trong hệ thống, nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Song song đó, các hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng cũng được đầu tư nhằm thúc đẩy tạo ra các giá trị kinh tế - xã hội tích cực.

Các sáng kiến sử dụng năng lượng thay thế trong sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, giúp doanh nghiệp tiết giảm hiệu quả điện năng sử dụng (giảm 25 triệu kWh), giảm 18.000 tấn CO2 phát thải.

Xem thêm tại theleader.vn