Bóng dáng người Cienco 1 tại Khang Nguyên ICI

Mới đây, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL1 - thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km40+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Đây là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (tổng mức đầu tư 3.904 tỷ đồng).

Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Hải Đăng - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hugia - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty cổ phần Công trình Long Hưng - Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy.

Trong liên danh nêu trên, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên nổi lên như một thế lực mới trong lĩnh vực giao thông khi sở hữu lượng dự án giao thông đáng nể.

Xem thêm >>> 'Sao Mai' của ngành giao thông Khang Nguyên ICI: Doanh thu khủng, nợ phình to và lãi cỏn con

Đáng chú ý, trong danh sách cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên, hiện diện nhiều nhất và nắm giữ lượng cổ phần chi phối đều là những cá nhân mang "họ Cấn", đáng chú ý trong số này là ông Cấn Hồng Lai.

Ngoài việc sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên, ông Cấn Hồng Lai là Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) trong giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 6/2014.

Cựu Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai nắm giữ lượng cổ phần lớn tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên.

Tháng 6 năm ngoái, tại phiên xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Cienco1, ông Cấn Hồng Lai bị cáo buộc là người chịu trách nhiệm xuyên suốt quá trình cổ phần hóa, việc loại bỏ các khoản nợ làm giảm thiệt hại giá trị Nhà nước khi cổ phần hóa và bị tuyên phạt 7 năm tù.

Lật lại lịch sử vụ án này, Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhưng năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Do vậy, Bộ này ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa do Phạm Dũng làm Trưởng ban và Cấn Hồng Lai làm Phó ban thường trực.

Tháng 6/2014, Cienco 1 được cổ phần hóa thành công, với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó 35% là vốn Nhà nước. Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ số 35% vốn này.

Trong quá trình cổ phần hóa, các bị cáo trong vụ án và một số cá nhân, đơn vị liên quan đã có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tài sản Nhà nước.

Kết quả điều tra cho biết, từ năm 2010 - 2012, Cienco 1 đã trích lập dự phòng với những khoản thu khó đòi của 50 công ty, với số tiền 306 tỷ đồng. Đến năm 2013, để xử lý các vấn đề khi cổ phần hóa, nhóm Cấn Hồng Lai Lai xác định 50 công ty trên nợ Cienco 1 tổng số 364 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó có 184 tỷ đồng được nhóm này xác định là khó đòi, nên đã tự quyết định xóa nợ, dù đây là tài sản công.

Thêm vào đó, sau khi cổ phần hóa, nhóm điều hành mới của Cienco 1 đã đòi được 65 tỷ đồng trong số này, nhưng không bàn giao cho Nhà nước.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, nhóm lãnh đạo Cienco 1 và các bị can thuộc Công ty A&C đã xác định 4 khu đất gồm: 422 m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, TP. HCM; 916 m2 tại TP. Tân An, tỉnh Long An; 16.706 m2 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 852 m2 tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai là tài sản cố định vô hình, với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến chính thức để làm căn cứ xác định giá trị đất. Số tài sản này sau đó được Hội đồng Định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh, thành nói trên xác định năm 2013 có tổng giá trị là hơn 67,4 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm của nhóm bị can trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.

Bị cáo Cấn Hồng Lai có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác đối chiếu công nợ. Với vai trò là Tổng giám đốc, bị cáo Cấn Hồng Lai là người chủ trì cuộc họp xử lý nợ ngày 17/6/2013, xử lý khoản nợ 184,99 tỷ đồng bằng nguồn trích lập dự phòng không đúng quy định. Sau đó ký tờ trình đề nghị HĐTV thông qua.

Quá trình cổ phần hóa, bị cáo chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác đối chiếu công nợ nhưng không thục hiện việc đưa khoản nợ 184,99 tỷ đồng vào giá trị doanh nghiệp, dẫn đến khoản nợ 184,99 tỷ đồng bị loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp, vi phạm khoản 1 Điều 15 Nghị định 59.

Không chỉ có ông Cấn Hồng Lai, tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên còn có bóng dáng của 1 người khác ở Cienco 1 là ông Đào Việt Tiến. Ông Tiến hiện là người đại diện pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên dù không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại doanh nghiệp này.

Tổng giám đốc Cienco 1 Đào Việt Tiến là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên.

Ông Đào Việt Tiến từng là Phó tổng giám đốc của Cienco 1, rồi sau đó được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của doanh nghiệp này vào tháng 11/2019. Ngoài ra, vào tháng 1/2022, ông Tiến cũng từng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL). Ông Tiến cũng từng được Cienco 1 giới thiệu kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty cổ phần Cầu 12 (UPCoM: C12) vào tháng 6/2017.

Trong vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông Đào Việt Tiến đã đưa Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khi sở hữu hàng loạt dự án lớn.

Không những vậy, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên cũng liên tục trúng nhiều gói thầu giao thông lớn. Ngoài gói thầu tại dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh nêu ở phần đầu, tháng 1/2024, công ty này cũng trúng thầu gói thầu SC1-CGNB-2023 - thi công và lắp đặt công trình sửa chữa hư hỏng hệ thống thiết bị điện trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam mời thầu.

Tháng 12/2023, Khang Nguyên trúng thầu gói thầu thi công xây dựng công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi mời thầu và gói thầu XL2 - xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km14+950 đến Km17+500) do Công ty cổ phần Việt Quốc mời thầu.

Tháng 9/2023, Khang Nguyên trúng thầu gói thầu 03-XL thi công xây dựng phần cầu cạn và nút giao vành đai 3 đoạn Km2+350-Km3+400 (bao gồm cây xanh và chiếu sáng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội mời thầu; tháng 7/2023 trúng thầu gói thầu thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam mời thầu...

Tháng 6/2023, Khang Nguyên trúng gói thầu CT3-PW-1.18 cải tại rạch Mương Củi, Xẻo Nhum, Ngã Bát và Mương Lộ (91B) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP. Cần Thơ mời thầu; tháng 3/2023 trúng gói thầu số 13-XL thi công xây dựng đoạn Km47+000 –Km66+965,91 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) do Ban Quản lý dự án 85 mời thầu...

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khi báo cáo lên cơ quan quản lý lại là một dấu hỏi về hiệu quả. Theo đó, trong các năm 2020 - 2022, dù doanh thu thuần có mức tăng trưởng đến gần 10 lần, từ 36,9 tỷ đồng (2020) lên 68,3 tỷ đồng (2021) và cán mốc 356,2 tỷ đồng (2022), nhưng giá vốn bán hàng neo ở mức cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Khang Nguyên cũng "teo tóp" đi nhiều.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí (tài chính, lãi vay, quản lý doanh nghiệp), Khang Nguyên báo lỗ 3,7 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh nghiệp lãi ròng 19,3 triệu. Năm 2022 với doanh thu kỷ lục hơn 356 tỷ đồng, công ty cũng chỉ báo lãi hơn 677 triệu đồng.

Lũy kế giai đoạn này, Khang Nguyên thu về gần 500 tỷ đồng doanh thu, song lại lỗ đến hơn 3 tỷ đồng, phản ánh một bức tranh tài chính không mấy khả quan.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn