Các dự án hạ tầng nghìn tỷ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy bất động sản công nghiệp

Bất động sản công nghiệp, với việc cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Năm 2023, mặc dù, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, thị trường bất động sản nói chung còn nhiều vướng mắc, song bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực. 

 Phát biểu tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” mới đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, đất công nghiệp cho thuê hiện có tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Tại các thị trường cấp 1 như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... gần như không còn đất cho thuê. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... dần trở thành những điểm hấp dẫn với quỹ đất còn nhiều và giá thành rẻ.

Theo đó, bà Dung đánh giá, bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản hiện tại, tỷ lệ đầu tư thành công lên tới 50%.

Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng sẽ khiến cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới, chính là việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án cảng hàng không, đường vành đai, đường cao tốc…

Cảng hàng không

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2026)

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có tổng mức đầu tư hơn 330.000 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD cho giai đoạn 1.

Cảng hàng không Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364 ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu lượt hành khách/năm. Dự án triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM khoảng 40 km.

Các dự án hạ tầng nghìn tỷ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy bất động sản công nghiệp- Ảnh 1.

Trong buổi kiểm tra tiến độ dự án ngày 13/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nếu năm 2022, 2023 là năm khởi động thì 2024 là năm tăng tốc và 2025 sẽ là năm bứt phá và 6 tháng đầu năm 2026 phải hoàn thành, đưa công trình sân bay Long Thành vào sử dụng.

Cảng hàng không Quảng Trị (dự kiến hoàn thành năm 2026)

Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn T&T Group - đại diện liên danh nhà đầu tư đã tổ chức Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị, đánh dấu việc chính thức triển khai dự án nhằm hoàn thiện mảnh ghép tiếp theo trong mạng lưới giao thông của tỉnh.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.

Dự án CHK Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là vị trí trọng điểm của miền Trung, kết nối giữa giao thông Bắc Nam về Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh và giao thông Bắc Nam với trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 9 và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, là cửa ngõ quan trọng để thu hút hành khách đến tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam.

Các dự án hạ tầng nghìn tỷ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy bất động sản công nghiệp- Ảnh 2.

Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng do Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và CIENCO4 (Hà Nội) đầu tư xây dựng. Tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu Khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị trong quý 1/2024 và đưa công trình vào khai thác vận hành trong năm 2026.

Đến thời điểm này, tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Trị đang được thực hiện khẩn trương để bàn giao đúng hẹn.

Cảng hàng không Quảng Trị không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao, phát triển công nghiệp xanh sạch, đảm bảo quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác quốc tế.

Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo…, dự án CHK Quảng Trị sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực không - thủy - bộ - sắt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Đường vành đai

Vành đai 4 vùng Thủ đô (dự kiến hoàn thành năm 2025)

Nói đến dự án đường vành đai, nổi bật có thể kể đến Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện ba dự án thành phần: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm hai dự án thành phần: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

Hiện tại dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. TP Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành đường song hành vành đai 4 đúng dịp diễn ra Đại hội lần thứ 18 Đảng bộ thành phố, dự kiến tháng 10/2025. Việc hoàn thiện vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Vành đai 3 TP HCM (dự kiến hoàn thành năm 2025)

Ở phía Nam, dự án đang rất được quan tâm là Vành đai 3 TP HCM có chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Dự án này đi qua TP HCM 46km, Bình Dương hơn 10km, Đồng Nai 11km và Long An 6,81km.

Công tác giải phóng mặt bằng đoạn Vành đai 3 qua TP HCM đã cơ bản đạt tiến độ đề ra. Hiện các cơ quan đang tiếp tục vận động người dân, thu hồi 1,6% diện tích còn lại để xây dựng các gói thầu thuộc dự án. Dự kiến hoàn thành trước 30/4.

Hôm 15/3/2024, tại cuộc họp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, các địa phương cho biết các dự án thành phần do TP HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản cơ bản đã bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng.

Tuy nhiên, khối lượng mặt bằng còn lại (chủ yếu là đất ở) tiến độ bàn giao mặt bằng triển khai chậm. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai công tác giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm

Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền Nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường cao tốc 

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (dự kiến hoàn thành 2027) 

Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (ký hiệu toàn tuyến là CT.08) dài 109 km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ ở miền Bắc Việt Nam. Tuyến cao tốc này là tuyến cao tốc ven biển, thúc đẩy phát triển các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tuyến cao tốc nằm ở cạnh đáy của tam giác đồng bằng sông Hồng, dự án cũng nằm trong chương trình "hai hành lang, một vành đai kinh tế".

Đường cao tốc này có điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn - Móng Cái tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Đường cao tốc có đoạn qua Ninh Bình dài 26 km, đoạn qua Nam Định dài 28,7 km, đoạn qua Thái Bình dài 32,7 km và đoạn qua Hải Phòng dài 29 km.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (đã hoàn thành tháng 12/2023)

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài 23km.

Dự án được khởi công vào tháng 1/2021, đi qua địa phận Vĩnh Long và Đồng Tháp; điểm đầu tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, kết nối với cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại thị xã Bình Minh, kết nối với Quốc lộ 1. Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, được khởi công vào ngày 16/3/2020, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do kỹ sư Việt Nam thiết kế, xây dựng. Ngắm cầu đắt nhất cao tốc Bắc - Nam phía đông trước ngày thông xe

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

Cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2km với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,6km, có điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP. HCM đến TP. Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án đưa vào khai thác có nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn 50 km từ TP.HCM đi thủ phủ miền Tây, tương đương thời gian đi khoảng 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước đây.

Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành năm 2025)

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 06-08 làn xe.

Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần; thời gian thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023. Trong buổi kiểm tra dự án ngày 15/2/2024, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TP. HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút và thường xuyên ùn tắc như hiện nay.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo (đã hoàn thành năm 2023)

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 99 km, quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến qua Đồng Nai và Bình Thuận, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuống còn khoảng 2,5 giờ.

photo-1711526563732

Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8 km, với quy mô phân kỳ đầu tư trước mắt 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 mét, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.

Hai dự án trên thuộc thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông), giai đoạn 2017 – 2020, được khởi công và tổ chức khởi ông đồng loạt. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động từ 29/4/2023, còn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vận hành ngày 19/5/2023.

Đầu tháng 2, Bộ GTVT có công văn cho phép tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành thử nghiệm hoặc mới khai thác, được lưu thông vận tốc 90 km/giờ, thay vì 80 km/giờ như hiện nay; trong đó có tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành và doanh nghiệp dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, năng lượng, xuất nhập khẩu như Ngân hàng Techcombank, ACB, HSBC, CTCK Pinetree, Dragon Capital, Rapido, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG, Viettel Post,…

Xem thêm tại cafef.vn