“Chấp” quỹ ngoại tái cơ cấu, cầu nội đẩy giá hồi cả loạt

Đợt “rải thảm” ATC thường thấy đã xuất hiện trong phiên tái cơ cấu ETF và áp lực cũng khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh lúc đóng cửa. Tuy nhiên nhịp phục hồi cuối phiên chiều nay cho thấy dòng tiền trong nước sẵn sàng đón nhận áp lực lớn. VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,48 điểm, quá nhẹ so với mức đáy mất tới gần 12 điểm đầu phiên chiều.

Độ rộng thể hiện tính tích cực rõ rệt phiên này. Chốt phiên sáng VN-Index chỉ có 123 mã tăng/339 mã giảm. Lúc chỉ số chạm đáy, chỉ còn 109 mã tăng/353 mã giảm. Cho đến tận 2h chiều, độ rộng vẫn chỉ là 150 mã tăng/329 mã giảm. Thế nhưng chỉ 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, tương quan đã thay đổi đáng kể với 199 mã tăng/258 mã giảm và đóng cửa là 217 mã tăng/249 mã giảm. Như vậy từ chỗ giá giảm trên diện rộng, thị trường đã có sự phục hồi tích cực.

Dòng tiền bắt đáy là lý do chính giúp cổ phiếu phục hồi. Chiều nay thanh khoản trên HoSE tăng 30% so với buổi sáng, dĩ nhiên có yếu tố giao dịch lớn đợt ATC. Dù vậy hiệu quả giá là bằng chứng của nỗ lực mua chủ động kéo lên. Trong bối cảnh VN-Index đang dập dình trong vùng đỉnh, sự quyết liệt từ phía mua là một tín hiệu mạnh mẽ.

Còn về điểm số, ảnh hưởng khác nhau của các trụ là lý do VN-Index không thể xanh được. Chốt đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số đã tăng 1,15 điểm so với tham chiếu. Nhìn từ góc độ này thì áp lực “rải thảm” ATC chỉ khiến VN-Index lùi xuống 1,62 điểm (thành đóng cửa giảm 0,48 điểm) là rất nhẹ.

VIC bị đánh quỵ riêng trong đợt ATC tới 2,52% và đóng cửa giảm 3,37% so với tham chiếu đã tác động rất lớn. VCB lùi 4 bước giá đợt ATC, chốt giảm 1,05%. Chỉ riêng 2 trụ này đã lấy đi 2,84 điểm. Ngoài ra VHM, VNM cũng bị ép giá. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường thì chỉ 3 mã còn tăng là BID tăng 0,97%, GAS tăng 1,6% và CTG tăng 0,87%.

Cầu bắt đáy giúp cổ phiếu duy trì độ phân hóa tốt trong phiên này.
Cầu bắt đáy giúp cổ phiếu duy trì độ phân hóa tốt trong phiên này.

VN30-Index đóng cửa giảm 0,31% và riêng trong đợt ATC chỉ số này để mất khoảng 1,4 điểm, độ rộng 13 mã tăng/15 mã giảm. 7 mã trong rổ này giảm hơn 1%. VN30 đang yếu hơn đáng kể so với các nhóm cổ phiếu khác và phiên tái cơ cấu hôm nay cũng vậy: Midcap giảm 0,03% và Smallcap tăng 0,65%. Dĩ nhiên nhóm smallcap không bị ảnh hưởng gì từ các giao dịch tái cơ cấu và vẫn đang nhận được dòng tiền khá tốt.

Trong 217 cổ phiếu tăng giá trên HoSE lúc đóng cửa, 60 mã tăng trên 2% với nhiều đại diện cực mạnh: DIG thanh khoản khổng lồ kỷ lục lịch sử với 1.989,1 tỷ đồng, giá tăng 3,64%. Khối ngoại có mua ròng 98,8 tỷ đồng ở cổ phiếu này nhưng về lượng mua thì chỉ chiếm 5,5% tổng thanh khoản. Nhóm chứng khoán có VCI tăng 2,87%, giao dịch 535,6 tỷ đồng; FTS tăng 4,07% với 306,5 tỷ. Các cổ phiếu DGW, EVF, VTP, SBT, PAN, DPG, GIL, PHR đều tăng cực tốt với thanh khoản cao. Toàn sàn HoSE có 98 cổ phiếu tăng giá hơn 1% với thanh khoản tập trung chiếm 32,7% tổng giá trị khớp của sàn. Trong khi đó phía giảm tuy có 249 mã nhưng chỉ 54 mã giảm quá 1% và thanh khoản chiếm 16%.

Với khả năng nâng đỡ giá duy trì biên độ điều chỉnh nhẹ, thanh khoản thấp còn phía tăng mạnh lại nhiều hơn và thanh khoản cao hơn. Cơ cấu này góp phần xác nhận mức thanh khoản rất cao hôm nay mang nhiều nét tích cực.

Khối ngoại xả ròng 1.311,8 tỷ đồng trên sàn HoSE hôm nay là hiện tượng cá biệt do có các quỹ ETF tái cơ cấu. Các mã bị bán nhiều là HPG -198,9 tỷ đồng ròng; VHM -158 tỷ, VND -117,9 tỷ, VIC -95,2 tỷ, VNM -94,5 tỷ, STB -94,3 tỷ, VCB -92,9 tỷ, SBT -90,2 tỷ, VPB -85,3 tỷ… Phía mua có FTS +137,9 tỷ, DIG +98,8 tỷ, EIB +67,7 tỷ… Quy mô xả của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay chỉ chiếm 14,2% tổng giao dịch sàn HoSE.

Xem thêm tại vneconomy.vn