Chủ động và linh hoạt với nguyên phụ liệu sản xuất

Tăng nhập khẩu vì cung không đủ cầu

2 tháng đầu năm 2024, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục thặng dư 5 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, máy móc thiết bị… đều có mức tăng 2 con số. Do sản xuất và xuất khẩu đều tăng nên các thông số về nhập khẩu cũng có mức tăng tương ứng, đặc biệt là sự tăng mạnh nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Chẳng hạn, lũy kế 2 tháng năm 2024, trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày đã đạt gần 3,74 tỷ USD, tăng 18,2%, tương đương tăng 576 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt 2,65 triệu tấn với trị giá là 1,88 tỷ USD, tăng 85,4% về lượng và tăng 57% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023…

Hiện với không ít lĩnh vực, phần lớn nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc do vị trí địa lý gần và giá thành rẻ, nên nguồn nguyên phụ liệu trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đại diện Hội Dệt may thêu đan TPHCM lý giải, tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu thấp do còn phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng về chất liệu cũng như mức giá hợp lý, nên nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu vì nguồn trong nước không đủ đáp ứng và không đáp ứng được yêu cầu.

Hay trong phản ánh mới đây của 9 doanh nghiệp thép gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật và Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng, thép cán nóng (HRC) là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, công nghiệp, nên nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam đang nằm trong khoảng 10 đến hơn 13 triệu tấn/năm nhưng tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam chỉ ở mức 8,2 triệu tấn/năm, chưa kể còn dành một phần xuất khẩu. Vì thế, sản lượng các nhà sản xuất HRC Việt Nam bán tại thị trường nội địa hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu HRC của các doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, doanh nghiệp luôn ưu tiên sản phẩm HRC trong nước do các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh và phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hay xuất khẩu sang các thị trường Qatar, Oman, Đài Loan cũng yêu cầu cao về nguồn gốc nội địa của nguyên liệu… Tuy nhiên, chính vì cung không đủ cầu nên các doanh nghiệp thép vẫn phải nhập khẩu lượng lớn thép HRC từ Trung Quốc.

Chủ động hơn cho môi trường kinh doanh lành mạnh

Ý thức được những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, ngành nguyên phụ liệu vẫn đang tích cực với nhiều hoạt động mở rộng đầu tư và phát triển.

Mới đây, một nhà máy chuyên sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc đã được khánh thành tại Thanh Hóa với sản lượng hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc phát triển được các nhà máy trong nước là yêu cầu tất yếu để thị trường xuất khẩu may mặc lớn thứ 3 như Việt Nam được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan, đồng thời giúp giảm chi phí, gia tăng thặng dư thương mại cho nền kinh tế.

Với nguyên liệu cho ngành thép, đại diện Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 dự kiến hoàn thành vào quý 1/2025 giúp năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC. Hiện nhà máy Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2021, công suất 6 triệu tấn/năm, gồm 3 triệu tấn HRC. Theo thông tin từ Hòa Phát, tính đến 20/3/2024, Tập đoàn đã chính thức cán mốc 9 triệu tấn thép HRC.

Vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, do lo ngại cạnh tranh không lành mạnh. 9 doanh nghiệp thép nêu trên đã phản đối ý kiến này bởi việc áp các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép HRC nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho 2 doanh nghiệp sản xuất trong nước, từ đó tác động đến nhiều ngành kinh tế khác.

Vấn đề trên cho thấy, môi trường kinh doanh luôn cần những bài toán cân bằng và hài hòa giữa các chủ thể. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có chính sách hài hòa và hợp lý để tạo thành chuỗi kết nối cung – cầu phù hợp, đồng thời phản ứng chính sách cũng cần nhanh nhạy, linh hoạt giúp gia tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là làm sao để thu hút “đại bàng” trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư xây dựng những nhà máy có công suất lớn để cung ứng nguyên phụ liệu.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn