Chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF): 16 năm trước bán ô tô để đầu tư cổ phiếu, 16 năm sau bán cổ phiếu nhận về được bộ lốp xe

“Scandal” gây rúng động giới tài chính khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh

“Ra mắt” sàn chứng khoán vào ngày 1/2/2008, khi ấy Gỗ Trường Thành được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm nội thất với số vốn điều lệ chỉ 150 tỷ đồng. Dưới thời của ông Võ Trường Thành, CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) cũng trải qua nhiều thăng trầm để rồi trả giá với những sai lầm liên tiếp.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, việc TTF dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến công ty bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.

Sau giai đoạn hoàng kim năm 2014-2015 khi đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất về lĩnh vực xuất khẩu gỗ, “scandal” trong năm 2016 đã lấy mất tất cả những gì gây dựng của ông Võ Trường Thành.

Kiểm toán E&Y phát hiện hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành bị thiếu hụt 980 tỷ đồng so với sổ sách trong năm 2016. Điều này dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu TTF khiến thị giá giảm sàn 23 phiên liên tiếp từ 43.700 đồng/cp xuống còn 8.600 đồng/cp. Thậm chí, những phiên như ngày 4/8/2016 lượng dư bán giá sàn lên tới gần 9 triệu đơn vị, trong khi chỉ có 10 cổ phiếu được đặt mua.

Sau đó, cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, ông Võ Trường Thành đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình và đối mặt với việc đền bù thiệt hại đã gây ra cho công ty.

“Người hùng” Mai Hữu Tín và câu chuyện “gen mình trội thì cổ phiếu sẽ hoạt động và phát triển”

Vào giữa năm 2017, CTCP Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín bắt đầu gom cổ phiếu TTF. Ngay sau đó, ông được đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc và bắt đầu hành trình “vực dậy” Gỗ Trường Thành. Ông Mai Hữu Tín là người giải cứu TTF với các thương vụ M&A khi mua lại công ty sản xuất bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và công ty Giấy Sài Gòn năm 2013, giúp TTF đảo ngược tình thế.

Dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Mai Hữu Tín, Gỗ Trường Thành ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc với doanh thu từ 721 tỷ đồng năm 2019 tăng lên mức kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2022, đưa TTF trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm gỗ và được mệnh danh là “vua gỗ” Việt Nam.

Trong một buổi chia sẻ về sự “vực dậy” của Gỗ Trường Thành, Chủ tịch Mai Hữu Tín từng nói: “Nếu mình sống chết với một công ty thì công đó sẽ mang gen của mình và ngược lại, mình cũng sẽ mang gen của công ty đó. Một công ty chung một bộ gen, đó chính là văn hóa công ty. Nếu gen đó là gen trội thì công ty đó sẽ hoạt động tốt và tăng trưởng”.

Song hành với kết quả kinh doanh vượt trội, giá cổ phiếu cũng bứt phá mạnh mẽ như lời ông Mai Hữu Tín cam kết trong ĐHCĐ năm 2021. Thị giá TTF đã tăng 612% từ mốc 2.520 đồng/cp lên mức 17.950 đồng/cp - vượt xa mệnh giá 10.000 đồng/cp như lời ông Tín từng khẳng định.

Trái ngược với tăng trưởng vượt trội từ doanh thu, lợi nhuận sau thuế của TTF giảm mạnh; thậm chí chuyển âm trong 2 năm gần nhất 2022-2023 do biến động từ thị trường xuất khẩu. Cộng hưởng với đà giảm của thị trường năm 2022, giá cổ phiếu theo đó cũng lao dốc từ mức 17.950 đồng/cp về mức 4.150 đồng/cp.

Chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF): 16 năm trước bán ô tô để đầu tư cổ phiếu, 16 năm sau bán cổ phiếu nhận về được bộ lốp xe
TTF ghi nhận doanh thu kỷ lục 2.000 tỷ dưới thời của
chủ tịch Mai Hữu Tín

16 năm nhìn lại...

Còn nhớ vào ngày 18/2/2008, 15 triệu cổ phiếu TTF của CTCP Gỗ Trường Thành ra mắt sàn chứng khoán và đóng cửa phiên đầu tại mức 70.000 đồng/cp (có thời điểm trong phiên đạt 78.000 đồng). Đây cũng là mức cao kỷ lục của cổ phiếu TTF - tương đương giá sau điều chỉnh là 24.080 đồng/cp.

Tuy nhiên, trải qua 16 năm niêm yết, cổ phiếu TTF đã khiến không ít nhà đầu tư nắm giữ “khóc ròng”.

Tại báo cáo thường niên vừa công bố, Gỗ Trường Thành cho biết đang có 21.200 cổ đông, nắm giữ hơn 411 triệu cổ phiếu TTF. Trong số này, 3 cổ đông lớn nắm tổng cộng hơn 81 triệu đơn vị.

Trái ngược với sự thành công nhờ “gen trội” của Chủ tịch Mai Hữu Tín đã khẳng định, thị giá của TTF đã chia gần 6 lần về mức 4.1x đồng/cp như hiện nay. Có những thời điểm giá cổ phiếu còn rớt xuống mức 1.840 đồng/cp và hiện vẫn đang nằm trong diện bị cảnh cáo trên sàn HoSE.

Chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF): 16 năm trước bán ô tô để đầu tư cổ phiếu, 16 năm sau bán cổ phiếu nhận về được bộ lốp xe
Thị giá của TTF đã chia hơn 6 lần sau 16 năm niêm yết
trên sàn chứng khoán

Nói một cách ví von, nếu 16 năm trước đầu tư cổ phiếu TTF bằng giá trị của một chiếc ô tô, bỏ qua yếu tố thời giá, 16 năm sau số tiền cổ đông nhận về chỉ mua đủ bộ lốp. Nếu số tiền đầu tư có giá trị bằng một chiếc xe đạp thì 16 năm sau phần nhận về đủ mua một cặp săm xe.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn