Cơ hội Chứng khoán Việt Nam được nâng hạng rõ ràng hơn
Dòng vốn sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn khi được nâng hạng. Ảnh tư liệu

“Nút thắt” quan trọng sẽ được gỡ

Ngày 20/3/2024, Bộ Tài chính đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (gồm: Thông tư 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC).

Chính phủ quyết tâm nâng hạng

Việc đề xuất sửa đổi nhiều quy định pháp lý quan trọng là bước đi cụ thể của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thể hiện quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nghiêm Sỹ Tiến - Chuyên gia cao cấp, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong bản dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý đã tập trung giải quyết nhóm 2 vấn đề quan trọng đó là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và yêu cầu quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ không cần phải ký quỹ 100% tiền trước thời điểm đặt lệnh mua chứng khoán. Các công ty chứng khoán có đủ năng lực tài chính sẽ được đứng ra cung cấp dịch vụ và thực hiện bảo lãnh, đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp nhà đầu tư không thể thanh toán.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đề xuất bổ sung, xây dựng lộ trình công bố thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh theo các đối tượng công ty, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến ngày 1/1/2028.

“Tôi cho rằng, đây sẽ là những giải pháp tháo gỡ vướng mắc lớn nhất dựa trên các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell, đặc biệt là vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Đồng thời, việc áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức cũng đảm bảo tính khả thi và thu hẹp các rủi ro phát sinh khi các nhóm đối tượng này đã có sự uy tín nhất định, đủ năng lực tài chính để đảm bảo các nghĩa vụ sau đó hơn. Ngoài ra, giải pháp này tôi đánh giá vẫn đảm bảo được sự công bằng với nhà đầu tư trong nước, do hiện tại chỉ có nhà đầu tư trong nước mới được sử dụng dịch vụ vay ký quỹ (margin) - ông Nghiêm Sỹ Tiến nói.

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc điều chỉnh lại những thông tư trên nhằm gỡ bỏ những rảo cản kỹ thuật liên quan tới hoạt động giao dịch của tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - đây là một trong những yếu tố còn là hạn chế để các tổ chức quốc tế xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc nâng cao khả năng tiếp cận thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài cũng vô cùng quan trọng, nhằm góp phần gia tăng thêm cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, thu hút dòng vốn ngoại và thúc đẩy phát triển thị trường trong dài hạn,

“Tôi cho rằng, những động thái và hành động thực sự của cơ quan quản lý đang làm rất được thị trường mong đợi và kỳ vọng sớm được thực thi trong thời gian tới, để thu hút dòng vốn đầu tư của các định chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Con đường nâng hạng rõ ràng hơn

Theo các chuyên gia, mặc dù còn nhiều việc phải triển khai, trong đó cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan cũng như các doanh nghiệp, thành viên thị trường, nhưng khi các quy định pháp lý được sửa đổi, con đường tiến tới nâng hạng sẽ rõ ràng hơn, trước mắt là được FTSE Russell nâng hạng.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến chia sẻ: “Nếu chúng ta bám sát và thực hiện được lộ trình đã đề xuất; đồng thời tập trung sửa đổi các vấn đề chính, thì dự kiến vào kỳ đánh giá tháng 9/2024 Việt Nam sẽ được FTSE Russell xếp vào danh sách chờ nâng hạng và tháng 9/2025 kỳ vọng sẽ chính thức thành thị trường mới nổi thứ cấp”.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cũng phân tích thêm, hiện nay có 2 tổ chức có thể xem xét đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai là FTSE và MSCI với những bộ tiêu chuyển khác nhau. Với nền tảng thực tế thị trường Việt Nam, hiện tại đã đáp ứng tương đối sát với các điều kiện cần của FTSE và thực tế đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của tổ chức này.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2024 - 2025 những nỗ lực của cơ quan quản lý sẽ trực tiếp hướng tới việc có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng. Theo giá trị ước lượng các quỹ đầu tư căn cứ vào danh mục chỉ số FTSE thì sẽ có khoảng từ 2 - 4 tỷ USD đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng.

“Cá nhân tôi cho rằng, với quyết tâm hiện tại của các cấp quản lý và các thành viên thị trường thì thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội để hoàn thành mục tiêu chính thức được FTSE nâng hạng trong năm 2025. FTSE nâng hạng cũng sẽ là bàn đạp hướng tới việc hoàn thiện thêm nhiều điều kiện nâng hạng của MSCI sau này - khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế rất lớn” - ông Ngọc nói.