Cổ phiếu AIG liên tục giảm sau ngày ‘chào sàn’: Do cổ đông lớn thoái bớt vốn?
Nguyên liệu Á Châu được thành lập vào đầu thập niên 2000, tiền thân là CTL Company Ltd, sau đó đổi tên thành ATL rồi tiếp đến là ACC – Hoá Chất Á Châu. Năm 2009, ACC – Hoá Chất Á Châu đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bột kem không sữa AFI – Asia Saigon Food Ingredients. Tháng 7/2017, AIG dần hợp nhất kết quả kinh doanh của 7 công ty thành viên tại pháp nhân lõi.
Mỗi năm, công ty thu về cả chục nghìn tỷ đồng doanh thu cùng hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần gần 12.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 890 tỷ đồng.
Cổ phiếu AIG giảm 3/4 phiên sau ngày đầu tiên giao dịch trên UPCoM. |
Về kết quả kinh doanh quý 3/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.112 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng, tăng gần 10%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 8.891 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế đạt 634 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, Nguyên liệu Á Châu có vốn điều lệ 1.700 tỷ đồng với 4 cổ đông lớn, bao gồm ông Nguyễn Thiên Trúc – Chủ tịch HĐQT (30,32%), MGCA Foodco Pte. Ltd (29%), ông Nguyễn Bảo Tùng – Tổng giám đốc (8,48%), và All Ingredients Pte. Ltd (8,09%).
Nguyên liệu Á Châu được định giá ban đầu 10.800 tỷ, lọt top các doanh nghiệp FB giá trị nhất sàn. Bên cạnh đó, tệp khách hàng của công ty cũng rất “khủng”, gồm hàng loạt các thương hiệu lớn như Vinamilk, TH True Milk, Nutricare, IDP, Nutifood, Friesland Campina, Nestle, Masan, Đức Việt, Dabaco, Acecook, Vifon…
Cổ phiếu AIG được cho là sẽ mang đến làn gió mới cho thị trường chứng khoán. Thế nhưng với diễn biến của cổ phiếu này cho thấy nhà đầu tư dường như lại không mấy mặn mà.
Đáng chú ý, trước thời điểm chính thức giao dịch trên UPCoM, nhiều cổ đông lớn đã đồng loạt thoái bớt vốn tại công ty. Trong đó, VFPHK Holdings Limited đã giảm sở hữu từ 10,02% còn 4,02% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn; Penm IV Germany Gmbh Co. Kg giảm sở hữu từ 9,44% còn 3,44% vốn điều lệ; ông Nguyễn Bảo Tùng, Tổng giám đốc giảm sở hữu từ 10,47% còn 8,48% vốn điều lệ. Ngược lại, MGCA Foodco Pte. Ltd đã nâng sở hữu từ 17% lên 29% vốn điều lệ.
Việc cổ đông lớn bán cổ phiếu giảm sở hữu đặt ra cho nhà đầu tư nhiều câu hỏi liên quan cam kết và sự gắn bó của cổ đông lớn đối với công ty sau khi chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM. Bởi khi doanh nghiệp lên sàn mà cổ đông lớn bán ra phần lớn vốn có thể là dấu hiệu không tích cực đối với giá cổ phiếu và cổ đông bên ngoài.
Trong quá khứ, không ít trường hợp trước khi giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán, nhiều cổ đông lớn bán ra cổ phiếu và giá cổ phiếu sau đó liên tục lao dốc.
Điển hình, CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2018. Trong năm này, cổ đông lớn DFJ VinaCapital Venture Investments Ltd bán ra hơn 6,36 triệu cổ phiếu YEG, giảm sở hữu từ 35,71% còn 6,84% vốn điều lệ.
Thực tế, sau khi niêm yết năm 2018, Yeah1 bị cáo buộc dung túng các kênh YouTube “không phù hợp” để kiếm tiền và vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng, nên đến tháng 3/2019, YouTube chính thức ngừng hợp tác với Yeah1.
Sau đó, Yeah1 kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2019 ghi nhận lỗ 385 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 182 tỷ đồng). Do kinh doanh thua lỗ liên tiếp, đồng thời phải tái cơ cấu, giá cổ phiếu YEG đã lao dốc từ mức giá kỷ lục 199.190 đồng (ngày 28/6/2018), xuống còn 9.500 đồng/cp vào cuối tháng 10/2024, giảm tới 95,2% giá trị.
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn