Cổ phiếu chứng khoán hâm nóng thị trường phiên đầu tuần

Những tưởng pha điều chỉnh đột ngột và mạnh mẽ trong phiên cuối tuần trước sẽ khiến nhà đầu tư chùn bước, nhưng phiên giao dịch sáng 26/2 diễn ra khá an toàn. Chỉ số VN-Index chỉ rung lắc nhẹ đầu phiên rồi nhanh chóng hồi phục sắc xanh, thậm chí có thời điểm thử thách mốc 1.220 điểm. Về cuối phiên, dù áp lực bán gia tăng khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo bảng điện tử nhưng nhờ sự khởi sắc ở một số mã vốn hóa lớn, đặc biệt là cặp đôi lớn nhà bank BID và VCB, đã giúp VN-Index tạm khép lại phiên sáng với mức tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường dần nới rộng biên độ tăng và dễ dàng vượt mức giá cao nhất trong phiên sáng, khi lực cầu sôi động đang lan rộng hơn trên thị trường.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu thủy sản nổi sóng, phiên chiều đã chứng kiến thêm các nhóm ngành khác đua nhau tăng tốc là sản xuất nhựa – hóa chất, công nghệ thông tin, sản xuất hàng gia dụng, vận tải kho bãi… Đặc biệt, thị trường đã chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Chỉ số VN-Index đã lấy lại gần hết số điểm đã đánh mất trong phiên 23/2 và đóng cửa sát mốc 1.225 điểm với thanh khoản dù giảm đáng kể so với phiên bùng nổ cuối tuần trước nhưng vẫn vượt mức 20.000 tỷ đồng.

Với diễn biến thị trường phiên đầu tuần khả quan, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào yên tâm hơn và kỳ vọng thị trường có thể sẽ tiếp tục khởi sắc bởi dòng tiền tích cực vẫn làm tốt nhiệm vụ luân chuyển qua các nhóm ngành, tiếp sức cho đà tăng của chỉ số chung.

Kết phiên, sàn HOSE có 270 mã tăng và có tới 214 mã giảm, VN-Index tăng 12,17 điểm (+1%) lên 1.224,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 890 triệu đơn vị, giá trị 20.961,66 tỷ đồng, giảm trên dưới 35% về khối lượng và giá trị so với phiên bùng nổ cuối tuần trước ngày 23/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 55 triệu đơn vị, giá trị gần 1.439,66 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có diễn biến khởi sắc khi xác nhận 19 mã tăng và chỉ còn 8 mã giảm, kết phiên chỉ số nhóm này tăng hơn 10 điểm. Trong đó, dù đón nhận thông tin tiêu cực nhưng GVR đã đảo chiều khởi sắc trở lại sau 3 phiên liên tiếp điều chỉnh nhẹ, với mức tăng ấn tượng đạt 4,5%, là mã tăng tốt nhất trong rổ này.

Bên cạnh đó, một số mã khác như FPT tăng 3,9% và xác lập đỉnh lịch sử mới tại mốc 108.000 đồng/CP; BID cũng có mức giá cao kỷ lục mới là 53.600 đồng/CP khi tăng 3,1%; SSI tăng 2,8%, TCB tăng 2,7%...

Ngược lại, VIC và VPB là mã giảm sâu nhất khi cùng mất 1,3%, còn lại các mã đều chỉ giảm trên dưới 0,5%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có pha tăng tốc ấn tượng nhất thị trường. Sau nhịp tăng nhẹ ở phiên sáng, dòng tiền hấp thụ mạnh trong phiên chiều đã giúp các mã đua nhau khởi sắc. Điểm sáng là HCM và FTS đóng cửa trong trạng thái dư mua trần, các mã khác như VDS tăng 5,2%, AGR tăng 4,5%, BSI và ORS cùng tăng 4,4%, CTS tăng 4,3%, VCI tăng 3,8%...

Trong đó, HCM có thanh khoản cao nhất thị trường với xấp xỉ 32 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 0,81 triệu đơn vị. Các mã SSI, VND, VIX đều thuộc top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất khi đạt trên dưới 25 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên, nhóm tăng mạnh nhất vẫn là chế biến thủy sản với hàng loạt mã như VHC, IDI, ASM, ANV, ACL đều tăng kịch trần, các mã khác trong ngành cũng nới rộng biên độ tăng như AAM, FMC, CMX tăng trên dưới 5%...

Toàn thị trường chỉ còn 3 nhóm mất điểm với biên độ giảm khá hẹp là dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí; nhóm tiện tích và nhóm bất động sản.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có pha bật hồi mạnh mẽ nhờ đà tăng tốc của nhóm cổ phiếu HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 107 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 1,79 điểm (+0,77%) lên 232,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,78 triệu đơn vị, giá trị 1.494,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,98 triệu đơn vị, giá trị 302,91 tỷ đồng, trong đó riêng VIF thỏa thuận 12,44 triệu đơn vị, giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên tăng gần 6 điểm khi có tới 17 mã tăng và chỉ 8 mã giảm. Trong số mã giảm, chỉ PVG mất 2,2%, DVM mất 1,7%, HUT mất 1,1%, còn lại đều chưa tới 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu chứng khoán MBS đã tăng tốc và kết phiên ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,9%, cổ phiếu TNG cũng nới rộng biên độ khi tăng 3,9%…, CEO, PVS, IDC cũng đồng loạt đảo chiều tăng nhẹ.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX. Trong đó, SHS và MBS vẫn sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 20,44 triệu đơn vị và 8,17 triệu đơn vị, kết phiên tương ứng tăng 2,9% lên 17.800 đồng/CP và tăng 6,9% lên 28.000 đồng/CP. Ngoài ra, VIG tăng 3,8%, EVS tăng 1,2%, BVS tăng 2,7%, PSI tăng 2,4%...

Trên UPCoM, thị trường không nằm ngoài xu hướng chung khi đảo chiều khởi sắc về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,37%) lên 90,49 điểm với 131 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 590,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,5 triệu đơn vị, giá trị 13,12 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc, với SBS tăng 1,4%, AAS tăng 1,2%, VUA tăng 4,4%. Trong đó SBS và AAS thanh khoản sôi động, tương ứng đạt hơn 2 triệu đơn vị và gần 1,3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, cổ phiếu BSR vẫn là mã giao dịch lớn nhất thị trường với hơn 5,72 triệu đơn vị, kết phiên giảm 1% xuống mức 19.200 đồng/CP.

Trong khi đó, một số mã lớn khác đảo chiều khởi sắc, là động lực giúp thị trường hồi phục sắc xanh, như VTP tăng 1,6%, VGT tăng 4,2%, VGI tăng 3,4%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2403 tăng 5,2 điểm, tương đương +0,4% lên 1.230,3 điểm, khớp lệnh gần 143.410 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.830 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CSTB2322 giao dịch sôi động nhất với gần 6,4 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 8,5% xuống 650 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2326 khớp 3,68 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,5% lên 700 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn