Cổ phiếu đầu cơ: Trái đắng nhiều hơn quả ngọt

Penny nổi sóng

Phiên giao dịch 10/5/2023, thị trường chứng kiến đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, chỉ số VNSmallcap (cổ phiếu vốn hóa nhỏ - smallcap) tăng 1,16%, còn nhóm midcap (vốn hóa trung bình) tăng 1,02%, mức tăng gấp đôi cả

VN-Index lẫn VN30. Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (largecap) gần như đứng im, các cổ phiếu đầu cơ nhỏ bật tăng giá dữ dội. Hàng chục mã cổ phiếu đầu cơ “tím lịm” là những cái tên siêu nhỏ với giá chỉ vài nghìn đồng như FIT, PTC, HAR, MHC, QCG…

Penny (cổ phiếu của công ty nhỏ có thị giá thấp, rủi ro cao) và midcap là nhóm cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất vài tháng trở lại đây. Thực tế, hiện tượng này không quá bất ngờ. Từ cuối năm ngoái đến nay, thị trường đã chặn được đà rơi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dòng tiền quay trở lại. Thanh khoản từ mức đỉnh hơn 40.000 tỷ đồng/phiên nay trung bình chỉ còn khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có những phiên quanh mức 8.000 tỷ đồng.

Tiền ít không đủ lực để kéo các cổ phiếu vốn hóa lớn, xoay sang các cổ phiếu nhỏ hơn cũng là điều dễ hiểu. Không cần phải có quá nhiều thông tin tích cực, miễn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 vẫn đóng vai trò giữ nhịp, cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mang tính đầu cơ cao được đẩy giá lên, tạo thành các “game” cho nhà đầu tư thích lướt sóng tham gia.

Kết quả, VN-Index vận động trong một biên độ rất hẹp, nhưng vẫn có những cổ phiếu ghi nhận mức tăng phi mã. Chẳng hạn, cổ phiếu YBC của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tăng trần 4 phiên liên tiếp, ghi nhận mức tăng 66% chỉ trong vòng 1 tuần ngắn ngủi. Ấn tượng hơn, cổ phiếu LGM của Công ty cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu tăng tới 3 lần, từ mức giá hơn 4.300 đồng/cổ phiếu lên 12.300 đồng/cổ phiếu trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Cả YBC lẫn LGM đều có đặc điểm là những cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên sàn chứng khoán. Quy mô của những cổ phiếu này nhỏ tới mức cả những nhà đầu tư lâu năm như bản thân tôi cũng cảm thấy lạ lẫm.

Coi chừng trái đắng

Đầu tư vào những cổ phiếu với mức giá “trà đá” có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng đi kèm với mức rủi ro tương ứng. Bạn có thể thắng bằng lần, nhưng cũng có thể ngậm trái đắng khi cổ phiếu rơi vào trạng thái bán tháo, mất thanh khoản, hay đen đủi hơn nữa là mất trắng.

Những nhà đầu tư gạo cội trên thị trường có thể nhớ tới trường hợp cổ phiếu MTM của Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung. Năm 2016, cổ phiếu MTM có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, MTM bị lộ ra là công ty “ma”, được thành lập để lừa đảo nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Vụ việc kết thúc khi Ban lãnh đạo MTM lĩnh án tù chung thân, nhưng hơn 1.000 nhà đầu tư đã bị nhóm này chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng không còn cơ hội lấy lại tiền.

Có thể thấy, rủi ro và lợi nhuận là cân bằng. Bạn có thể giao dịch thắng hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm với nhóm cổ phiếu penny. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận mà các cổ phiếu vốn hóa lớn khó có thể đạt được. Đổi lại, nếu không có đủ kiến thức và bản lĩnh, mức thua lỗ cũng rất lớn.

Ảnh tác giả

Là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bản thân tôi không có thành kiến gì với giao dịch lướt sóng, tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhà đầu tư phải xác định đúng mức độ rủi ro trước khi tham gia.

Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Fiinpeace

Nói như vậy nghĩa là không nên mua cổ phiếu penny, midcap rủi ro, đầu cơ cao? Nếu đi sâu vào phân tích, bạn sẽ nhận ra rằng, để có thể lướt sóng thắng nhóm cổ phiếu penny đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Đó là nhà đầu tư phải có độ nhanh nhạy trên thị trường, di chuyển mau lẹ theo dòng tiền, vào nhanh ra nhanh và đặc biệt tính kỷ luật cao. Khi cổ phiếu có dấu hiệu thua lỗ, nhà đầu tư phải cắt lỗ dứt khoát.

Đây đều là những kỹ năng không dành cho “tay mơ”. Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở việc sau nhiều năm tư vấn cho khách hàng, cá nhân tôi nhận thấy đa phần nhà đầu tư thích cổ phiếu penny lại là những người mới, non kinh nghiệm, mua theo tin đồn, thích có lãi nhanh, lãi nhiều, nhưng khi thua lỗ lại không dám cắt lỗ. Kết quả, nhà đầu tư thường nhận trái đắng nhiều hơn là quả ngọt.

Lời khuyên chúng tôi thường dành cho khách hàng của mình, hay những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, đó là cần biết kiểm soát tỷ trọng khi mua các cổ phiếu penny. Nói một cách dễ hiểu, chơi ít thôi. Hãy nhớ, 90% các cổ phiếu thường biến động theo thị trường chung. Chính vì vậy, chúng ta không nên dành quá nhiều tiền vào các cổ phiếu đầu cơ để kỳ vọng có thể đi ngược lại thị trường, mang lại lợi nhuận.

Lưu ý, các cổ phiếu penny có thể dễ vào mà khó thoát. Thanh khoản của các cổ phiếu penny thường thấp trong thời gian dài và chỉ tăng mạnh trong một thời gian ngắn, tập trung vào giai đoạn kéo giá liên tục vượt đỉnh. Ngay sau giai đoạn tăng mạnh, các cổ phiếu này thường sụt giảm về giá và thanh khoản trong thời gian dài, khiến nhà đầu tư lỡ mua với khối lượng lớn gặp rất nhiều khó khăn khi muốn thoát khỏi trạng thái.

Do đó, việc giao dịch các cổ phiếu penny thường chỉ dành cho những nhà đầu cơ kỹ thuật theo trường phái mua khi vượt đỉnh cũ và bán khi vỡ hỗ trợ (mức hỗ trợ được xác định nhờ nâng đáy liên tục). Một đại diện của trường phái này trong lịch sử là Nicolas Darvas, người sáng tạo lý thuyết hộp Darvas.

Nhà đầu tư ưa thích nhóm penny cũng cần chú ý cân nhắc yếu tố thông tin khi giao dịch. Lịch sử cho thấy, khi cổ phiếu tăng mạnh một thời gian, thị trường sẽ xuất hiện một số thông tin mang tính chất cổ xúy, hỗ trợ. Các thông tin này phần nhiều là được đăng lại trong quá khứ, hoặc thiếu kiểm chứng trên các phương tiện không chính thống. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tiếp cận thông tin dạng này. Kinh nghiệm của tôi là khi dạng thông tin này xuất hiện, tôi sẽ thoát khỏi trạng thái đầu cơ.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán luôn có nhiều hơn một cách kiếm tiền. Đôi khi chúng ta lướt sóng, đôi khi mua vì cổ tức, hay đôi khi lựa chọn tích sản nắm giữ dài hạn mới là phù hợp. Những cơ hội là luôn có, quan trọng là nhà đầu tư cần biết việc điều chỉnh tỷ trọng tiền cho đầu cơ ngắn hạn hay dài hạn sao cho phù hợp.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn