Cổ phiếu VIC giúp thị trường “nghỉ lễ vui”

Thị trường đã test thành công mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch sáng 26/4 khi lực cầu tích cực được kích hoạt giúp VN-Index có thời điểm tăng vọt lên gần mốc 1.220 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh và thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt, đã khiến chỉ số chung hạ độ cao và tạm dừng phiên sáng với mức tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường trở nên ảm đạm hơn khi tâm lý kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến dòng tiền giao dịch thận trọng hơn. Chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc và giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Trong bối cảnh thị trường chung phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng, thì “anh cả” VIC đã có màn tăng tốc mạnh, trở thành lực đỡ chính giúp thị trường “nghỉ lễ vui”.

Tuy vậy, tính chung trong cả tháng 4, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm hơn 74,5 điểm, tương ứng giảm hơn 5,8%, đồng thời thanh khoản cũng giảm mạnh với sự xuất hiện của nhiều phiên quanh mức 15.000 tỷ đồng. Và phiên tăng điểm ngày cuối cùng của tháng “khá mong manh” để nhà đầu tư có thể kỳ vọng diễn biến VN-Index sẽ duy trì đà khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, khi thị trường vừa đón nhận thêm thông tin không mấy khả quan rằng hệ thống KWX chưa được chấp thuận vận hành chính thức từ ngày 2/5.

Chốt phiên, sàn HOSE có 209 mã tăng và 227 mã giảm, VN-Index tăng 4,55 điểm (+0,38%) lên 1.209,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 620,88 triệu đơn vị, giá trị 15.488,4 tỷ đồng, đều tăng hơn 9% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,85 triệu đơn vị, giá trị 1.473,8 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu VIC là động lực của thị trường khi đóng góp hơn 2,4 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên, VIC tăng 5,8% lên mức giá cao nhất trong ngày 44.450 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 2,7 triệu đơn vị.

Đồng thời, nhóm VN30 cũng “hưởng lợi” từ VIC khi đóng cửa tăng gần 7 điểm dù số mã tăng giảm cân bằng, đều ghi nhận 13 mã.

Đáng chú ý, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh những mã như SHB, DIG, NVL, VIX sôi động với hàng chục triệu cổ phiếu được khớp lệnh, một số mã như CTI, HAS, DXV, SFC đã khoe sắc tím khi đóng cửa, hay FCN, AGG, APH, TDH, HBC… tăng trên dưới 5%.

Xét về nhóm ngành, nhóm bán lẻ tiếp tục nới nhẹ biên độ trong phiên chiều và tiếp tục dẫn đầu thị trường, với sự đóng góp của FRT tăng 5,23%, MWG tăng hơn 2%, PNJ đã khởi sắc trở lại với mức tăng gần 1%.

Tiếp theo là nhóm sản xuất nhựa – hóa chất, nhóm bất động sản và nhóm bán buôn đều ghi nhận mức tăng hơn 1%.

Nhóm ngân hàng thu hẹp biên độ do mã lớn VCB hạ độ cao, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,2%, trong khi điểm sáng ngành thuộc về cặp đôi vừa và nhỏ là SHB và HDB. Kết phiên, HDB tăng 4,89% và khớp lệnh xấp xỉ 10 triệu đơn vị, còn SHB tăng 3,15% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 33 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm chứng khoán vẫn điều chỉnh với sắc đỏ tràn ngập, ngoại trừ một vài mã nhỏ tăng nhẹ. Trong đó, VIX và SSI sôi động nhất ngành, lần lượt khớp 16,5 triệu đơn vị và 13,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm tương ứng 1,5% và 0,4%.

Trên sàn HNX, thị trường lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 0,75 điểm (-0,33%), xuống 226,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,37 triệu đơn vị, giá trị 1.210,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,25 triệu đơn vị, giá trị 182,23 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu trong nhóm dầu khí là PVS và PVC lội ngược dòng thành công khi nới nhẹ biên độ tăng trong phiên chiều. Đóng cửa, PVS tăng 1% và PVC tăng 0,7%, với thanh khoản cùng thuộc top 5 mã sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 7,5 triệu đơn vị và 1,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán vẫn giao dịch kém khả quan, với SHS giảm 2,1% và khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 15,2 triệu đơn vị; MBS giảm 2,2% và khớp 2,7 triệu đơn vị; APS giảm 3,6%, BVS giảm 1,4%...

Một số mã đáng chú ý khác như IDC đóng cửa giữ mức tăng 1,8%, VDS tăng 1,6%, TNG lùi về mốc tham chiếu, đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù có thời điểm lùi về mốc tham chiếu nhưng lực cầu tích cực đã giúp thị trường sớm khởi sắc trở lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,48%) lên 88,76 điểm với 165 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,64 triệu đơn vị, giá trị 263 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,73 triệu đơn vị, giá trị 26,12 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc và đóng cửa ở mốc tham chiếu 18.100 đồng/CP, giao dịch sôi động nhất thị trường với 2,65 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Tiếp theo là cặp đôi nhỏ LMH và AAH đều có thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm sàn và đứng giá tham chiếu.

Điểm sáng vẫn là VGI khi đà tăng tiếp tục được nới rộng. Đóng cửa, VGI tăng 6,8% lên mức 67.600 đồng/CP với giao dịch thuộc top 5 mã sôi động nhất, đạt hơn 1,88 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ trên dưới 5 điểm. Trong đó, VN30F2405 tăng 5,4 điểm, tương đương +0,4% lên 1.232,4 điểm, khớp lệnh hơn 326.260 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.770 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, với CMWG2314 khớp lệnh sôi động nhất, đạt 2,98 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,7% lên 1.140 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2329 khớp 2,95 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 14,4% xuống 1.010 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn