Cổ phiếu VIC "quay xe", thị trường điều chỉnh nhẹ sau 4 phiên khởi sắc

Mặc dù mở cửa phiên giao dịch sáng 9/5 thị trường vẫn giữ được sắc xanh, nhưng điểm tựa khá yếu khiến VN-Index nhanh chóng chuyển qua trạng thái rung lắc và tạm dừng với mức giảm nhẹ trong bối cảnh chung giao dịch phân hóa khi số mã tăng giảm trên bảng điện tử khá cân bằng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến động. Nhóm bluechip đã không phát huy được vai trò lớn dẫn dắt thị trường, trong bối cảnh lực bán luôn thường trực bởi VN-Index đã trải qua 4 phiên liên tiếp, đã khiến chỉ số chung vẫn giao dịch giằng co nhẹ.

Sau gần nửa thời gian mở cửa phiên chiều giao dịch rung lắc, chỉ số VN-Index đã chuyển qua trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu và khép lại phiên cuối tuần với mức giảm nhẹ 2,5 điểm. Đây có thể là một ‘nhịp nghỉ” cần thiết khi thị trường đã trải qua liên tiếp những phiên giao dịch khởi sắc và chỉ số VN-Index đang bước vào vùng kháng cự mạnh 1.270 – 1.280 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 130 mã tăng và 173 mã giảm, VN-Index giảm 2,5 điểm (-0,2%) xuống 1.267,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 755,7 triệu đơn vị, giá trị gần 17.311 tỷ đồng, giảm 6,26% về khối lượng và 9,43% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,7 triệu đơn vị, giá trị gần 933,5 tỷ đồng.

Một trong những nhân tố chính khiến VN-Index “ngắt nhịp tăng” là VIC khi cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh sau những phiên tăng liên tiếp và xác nhận đỉnh của 3 năm trong phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, kết phiên, VIC giảm 2,5% xuống 76.500 đồng/CP, là mã giảm mạnh nhất trong rổ VN30 và tác động lớn nhất khi lấy đi gần 1,8 điểm của chỉ số chung.

Bên cạnh đó, các mã khác trong nhóm VN30 cũng nới nhẹ biên độ giảm là PLX giảm 1,5%, BVH giảm 1,4%, BID và VCB giảm khoảng 1%...

Tuy nhiên, kết phiên, nhóm bluechip vẫn tăng nhẹ hơn 1 điểm, nhờ vào LPB tăng 4,4%, FPT tăng 1,5%, cùng các mã lớn tăng nhẹ như SAB, TCB, VNM, MWG.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, CII dù không tìm lại được sắc tím trong phiên chiều, nhưng vẫn là điểm sáng của thị trường. Đóng cửa, CII tăng 3,1% lên mức 13.400 đồng/CP với thanh khoản vẫn duy trì ở vị trí top 3, đạt gần 25,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm này như QCG, KHP, ITC, PET đều đóng cửa tăng trần; hay SMC sau công bố báo cáo tài chính quý I/2025 có lãi sau 3 quý liên tiếp thua lỗ, đã tăng vọt sát trần với mức tăng 6,9% lên 9.660 đồng/CP…

Xét về nhóm ngành, nhóm công nghệ với sự khởi sắc của FPT đã vươn lên dẫn đầu đà tăng của thị trường khi có thêm ITD, ELC đều tăng hơn 1%, CTR tăng hơn 4,8%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa, với LPB sau thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất ngành, đã tăng 4,4% lên mức 34.500 đồng/CP, là mã đóng góp lớn nhất với xấp xỉ 1,1 điểm cho chỉ số chung. Tuy nhiên, thanh khoản cao nhất dòng bank vẫn là cổ phiếu SHB với gần 70,5 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa mã này đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên, mã vừa và nhỏ VIX có giao dịch sôi động nhất ngành, chỉ đứng sau SHB trên thị trường, đạt hơn 38,8 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn giữ được đà tăng nhẹ 0,4%.

Trên sàn HNX, thị trường chịu thêm gánh nặng gia tăng từ nhóm HNX30 đã khiến HNX-Index lùi sâu hơn.

Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,5%) xuống 214,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,3 triệu đơn vị, giá trị 856,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,47 triệu đơn vị, giá trị 28,5 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kém tích cực hơn trong phiên sáng khi đóng cửa giảm hơn 3 điểm, với 17 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Cụ thể, PSD tăng mạnh nhất là 2,7%, tiếp theo VGP tăng 2,4%, CAP tăng 2,2%, còn NTP, L14, PLC, SLS nhích nhẹ. Trái lại, PVC giảm mạnh nhất là 2,2%, HUT và SHS cùng giảm 1,6%, PVS giảm 1,5%...

Trong đó, CEO và SHS là hai mã có thanh khoản cao nhất thị trường, lần lượt đạt 8,92 triệu đơn vị và hơn 7,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DL1 vẫn là tâm điểm đáng chú ý dù đà tăng đã thu hẹp đáng kể. Kết phiên, DL1 tăng 2,5% lên mức 8.300 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 với xấp xỉ 7,3 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, FID tăng trần, VC2 tăng 5,3%, với thanh khoản đạt trên dưới 1,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ.

Chốt phiên, thị trường có 181 mã tăng và 120 mã giảm, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,45%), lên 93,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46 triệu đơn vị, giá trị 475 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ PVX, DFF, BOT đều đóng cửa trắng bên bán khi cùng tăng kịch trần, với thanh khoản đạt hơn 1-2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng trên hệ thống UPCoM đều giao dịch tích cực, với BVB dẫn đầu thanh khoản, đạt 2,7 triệu đơn vị và đóng cửa đứng giá tham chiếu; còn VAB tăng 4,5% và khớp lệnh hơn 1,76 triệu đơn vị; ABB tăng 1,4%, KLB tăng 3,3%.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm và 1 hợp đồng tăng đều trong biên độ hẹp, với VN30F2505 giảm 4,5 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.350,5 điểm, khớp lệnh gần 177.560 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, MBB2405 vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với xấp xỉ 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tiếp tục đứng giá tham chiếu tại 550 đồng/cq. Theo sau là CACB2504 khớp 1,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 33,3% xuống mức 20 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn